Liên minh châu Âu đẩy nhanh tiến độ mở rộng liên minh
Ngoài Ukraine và Gruzia, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi ghi nhận tiến bộ tích cực từ một số ứng cử viên khác, đặc biệt là Montenegro trong quá trình đàm phán gia nhập.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/10 đã thông báo về kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine và Moldova.
Theo đó, EC hy vọng sẽ mở được tất cả các chương đàm phán với hai quốc gia này vào năm 2025.
Trước đó, vào tháng 6/2022, EU đã chính thức khởi động quá trình đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hai quốc gia này.
Quá trình đàm phán bắt đầu với giai đoạn kiểm tra các quy định pháp luật của Ukraine và Moldova để đánh giá mức độ tương thích với các chuẩn mực pháp lý của EU.
Theo đánh giá từ phía EC, giai đoạn kiểm tra này-còn gọi là “sàng lọc”-đang diễn ra thuận lợi và chưa gặp trở ngại đáng kể nào. EC kỳ vọng sẽ tiến tới giai đoạn đàm phán chi tiết, mở ra 35 chương đàm phán từ lĩnh vực pháp quyền đến bảo vệ môi trường vào năm 2025.
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Để có thể trở thành thành viên EU, Ukraine và Moldova cần thực hiện nhiều cải cách sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng và cải thiện hệ thống tư pháp.
Phát biểu với báo giới tại Brussels, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh EU sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc thực hiện các cải cách quan trọng để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn trở thành thành viên chính thức của EU.
Về phía Gruzia, một quốc gia khác cũng đang nỗ lực gia nhập EU, quá trình đàm phán đã bị đình trệ do những lo ngại về tình hình chính trị trong nước. EC yêu cầu Gruzia phải thực hiện một số cải cách để có thể nối lại quá trình đàm phán.
Ngoài Ukraine và Gruzia, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi ghi nhận tiến bộ tích cực từ một số ứng cử viên khác, đặc biệt là Montenegro trong quá trình đàm phán gia nhập.
Điều này mang đến hy vọng về khả năng mở rộng thêm EU, không chỉ ở Đông Âu mà còn ở các khu vực khác, nhằm tạo động lực mới cho liên minh này trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và những biến động địa chính trị gia tăng.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, EU đang thể hiện sự kiên định trong việc mở rộng liên minh, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo ổn định chính trị và phát triển bền vững cho toàn khu vực./.
Ý kiến ()