Liên kết xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản vùng miền
Chương trình "Quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2014" do thành phố Hà Nội tổ chức đã thu hút đông đảo đại diện các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và nhất là người tiêu dùng Thủ đô tham gia. Không dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm, chương trình còn tổ chức cho các doanh nghiệp tiếp xúc, ký kết hợp tác giao thương cũng như trao đổi cách thức, giải pháp xây dựng thương hiệu vững mạnh cho đặc sản vùng miền.
Ký hơn 600 biên bản ghi nhớ hợp tác
Tại sảnh quảng trường khu trung tâm thương mại Royal City rộng 2.000 m2, dãy gian hàng đặc sản vùng miền được dựng từ tranh tre nứa lá đã đem đến một không gian đồng quê khác lạ giữa chốn đô thị hiện đại. Ði qua mỗi gian hàng, khách tham quan lại cảm nhận được những hương vị hoàn toàn khác nhau. Nào là mùi mặn mòi của cá biển, của nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Bà…; nào là mùi thơm nồng của quế hồi Lạng Sơn, nấm hương Sơn La, tỏi Lý Sơn…; cả mùi thanh khiết của trà Mộc Châu, Thái Nguyên… quyện với cà-phê Lâm Ðồng… Khách tham quan cũng thích thú khi được thưởng thức vị ngon ngọt của cam Vinh, nho Ninh Thuận, ổi Văn Giang… hay vị thịt trâu gác bếp, lạp xưởng… Trưng bày, giới thiệu đặc sản vùng miền nên Ban tổ chức chương trình đã khéo léo lồng ghép, sắp đặt nhằm tạo ra một không gian thưởng thức phù hợp với từng đặc sản. Xen kẽ giữa những gian hàng quây kín người mua là những gian nhà gỗ, nhà sàn, nhà rông, nơi chủ và khách cùng ngồi thưởng thức ly trà, tấm bánh, kể với nhau câu chuyện về đặc sản của vùng miền mình…
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, chương trình “Quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2014” lần đầu tiên được Hà Nội tổ chức là dịp để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường. Ðặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá sản phẩm của vùng miền mình tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành trung tâm phân phối và xuất khẩu hàng Việt Nam lớn của cả nước. Bởi ngoài việc trưng bày, giới thiệu tại khu gian hàng, Sở Công thương thành phố Hà Nội còn tổ chức để doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tiếp cận, kết nối với hơn 300 doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị là các nhà phân phối, kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, bếp ăn trường học… của Hà Nội. Ngay trong lễ khai mạc, lãnh đạo các đơn vị như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP Nhất Nam… đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương với các doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bến Tre… Chiều 29-11, Sở Công thương Hà Nội tổ chức đoàn doanh nghiệp của Hà Nội đi tham quan, tìm hiểu các sản phẩm đặc sản vùng miền tại khu gian hàng trưng bày và tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với chủ các doanh nghiệp sản xuất. Hơn 600 biên bản giao thương đã được ký kết giữa các bên, hứa hẹn một sự liên kết chặt chẽ trong tương lai, tạo ra chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm đặc sản vùng miền.
Không gian giới thiệu, thưởng thức sản phẩm chè.
Phát triển thương hiệu đặc sản
Ngoài việc tổ chức khu gian hàng và giao thương hợp tác giữa các doanh nghiệp, chương trình “Quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2014” còn tổ chức hội thảo về “Nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu, thị trường đặc sản vùng miền”. Hội thảo hướng tới những giải pháp hiệu quả và bền vững để xây dựng thương hiệu và giá trị thương hiệu cho các đặc sản. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ: “Thực tế, vẫn có nhiều đặc sản ngon, giá trị cao nhưng doanh nghiệp chưa biết cách để xây dựng thương hiệu, tạo nên kênh phân phối lớn cho sản phẩm. Thậm chí, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam chưa kịp xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thì đã bị doanh nghiệp nước ngoài lấy mất tên tuổi. Xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng, cần thiết cho cả doanh nghiệp và từng sản phẩm nhưng xây dựng như thế nào lại là câu hỏi mà phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang đi tìm câu trả lời. Ngoài ra, từ năm 2015, chúng ta sẽ mở cửa thị trường bán lẻ, các sản phẩm nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam thì sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh thế nào?”.
Nhiều chuyên gia kinh tế tham gia buổi hội thảo này đã đưa ra một nhận xét chung sau khi đi tham quan các gian hàng trong chương trình Quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam. Ðó là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, tức là chưa để ý đến xây dựng hình ảnh thương hiệu. Luật sư Trần Tám, Giám đốc điều hành IPCOM cho biết: “Giữa hàng loạt những sản phẩm cùng loại và đều mới mẻ với người tiêu dùng thì sản phẩm nào có thiết kế bao bì bắt mắt, nội dung thông tin đầy đủ sẽ hấp dẫn, thu hút hơn. Khi đến các gian hàng trong chương trình, tôi thấy nhiều loại lạp xưởng, măng khô… chỉ bọc trong những túi ni-lông trắng bình thường. Thông tin về sản phẩm rất ít. Nếu không được nghe người bán thông tin trực tiếp thì tôi sẽ không biết nó ngon như thế nào, sử dụng ra sao. Nhưng rõ ràng, không thể lúc nào cũng có người tư vấn trực tiếp về sản phẩm trong các siêu thị, trên các quầy, kệ hàng khắp nơi được”.
Ðồng quan điểm với luật sư Trần Tám, tiến sĩ Huyền Minh, giảng viên Trường ÐH Ngoại thương (FTU) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cần đặt mình vào vị trí của người mua thì mới được họ chấp nhận. Thí dụ, nhiều doanh nghiệp mặc định người tiêu dùng nếu mua sản phẩm thì đã biết cách sử dụng. Nhưng thực tế, với các đặc sản vùng miền, người ở địa phương khác sẽ khó mà biết cách chế biến, sử dụng sao cho đúng, cho ngon. Vì vậy, thông tin trên sản phẩm phải thật sự chi tiết, cả về nguồn gốc, xuất xứ cho đến các cách sử dụng. “Chúng ta có rất nhiều đặc sản vùng miền, chất lượng nhưng chưa cần ra nước ngoài, chỉ đơn giản việc giới thiệu và duy trì mặt hàng trên địa bàn Hà Nội đã là khó nếu như doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa ý thức được những việc xây dựng thương hiệu”, tiến sĩ Huyền Minh nhấn mạnh.
Ngoài việc xây dựng thương hiệu từ khâu thiết kế bao bì, chất lượng sản phẩm, quảng bá tên tuổi…, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý các doanh nghiệp phải chú trọng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ. Nhất là khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa. Nếu xuất khẩu sang nước nào thì phải đăng ký bảo hộ ở nước đó cũng như để ý đến thời hạn của các bảo hộ này. Luật sư Trần Tám cho biết: “Việc nắm bắt được các yêu cầu về pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp chủ động bảo vệ thành quả, sản phẩm của mình. Nếu không, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bị mất “tên tuổi” vào tay doanh nghiệp khác hoặc bị “nhái”, làm giả, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu”. Ông Nguyễn Ngọc Lam, Giám đốc Công ty Hồng Lam chia sẻ: “Tôi luôn ấp ủ dự định phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường cho sản phẩm ô mai Việt Nam ra châu Âu. Nhưng công ty tôi hiện vẫn đang lúng túng không biết những bước đi cụ thể như thế nào. Vì vậy, những thông tin hướng dẫn, trao đổi cụ thể trong hội thảo lần này rất hữu ích với doanh nghiệp chúng tôi”.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm sứ tại khu gian hàng Quảng bá thương hiệu vùng miền Việt Nam.
Trong buổi hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng trình bày những câu chuyện xây dựng thương hiệu của nhiều nước như Pháp, Nhật Bản… để đại diện các doanh nghiệp cũng như đại diện các sở, ngành, tỉnh, thành phố tham dự tìm hiểu, học tập và áp dụng. Ðây đều là những thông tin hữu ích, phần nào giúp lãnh đạo các tỉnh, thành, sở, ngành có định hướng đúng đắn hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương phát triển. Ðồng thời, giúp mỗi doanh nghiệp tham gia chương trình “Quảng bá đặc sản vùng miền” có thêm kinh nghiệm phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, đưa các sản phẩm đặc sản đến khắp mọi vùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()