Liên kết vùng và chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản
Trung du và miền núi phía bắc là khu vực giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản tại các địa phương còn nhiều hạn chế. Nâng cao năng lực sản xuất, liên kết vùng; chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử… là “đòn bẩy” để quảng bá và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp trong toàn vùng.
Quyết định số 975/QÐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc cũng đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi phía bắc, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng; điều phối liên kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp.
Liên kết vùng để phát triển kinh tế nông nghiệp
Sơn La hiện là vựa cây ăn quả lớn thứ hai cả nước. Ðến nay, một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La nằm trong số những tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2023, một số cây ăn quả chủ lực đạt sản lượng cao như: nhãn đạt 136.556 tấn, diện tích 19.820 ha; mận 95.602 tấn, diện tích 12.399 ha; xoài đạt 77.512 tấn, diện tích 19.821 ha; cà-phê đạt 32.944 tấn, diện tích 20.137 ha...
Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của vùng Tây Bắc thì phải hình thành nền sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao, tạo đà thu hút các doanh nghiệp chế biến lớn trên cơ sở liên kết vùng, còn nếu nội tỉnh thì chỉ có các nhà máy chế biến quy mô nhỏ, giá trị kinh tế thấp... Hiện nay, Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên đang liên kết trồng dứa cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO và liên kết trồng mắc-ca cho các nhà máy chế biến lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc, trụ cột và thế mạnh chính của kinh tế Yên Bái là nông, lâm nghiệp. Hiện nay, Yên Bái đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm: vùng quế hơn 82.700 ha; măng tre Bát Ðộ hơn 5.800 ha; sơn tra hơn 9.300 ha, chè hơn 7.400 ha, cây ăn quả hơn 10.000 ha, rừng trồng nguyên liệu hơn 90.700 ha, trong đó diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững hơn 30.000 ha. Cây chè và cây quế của Yên Bái được đánh giá là nhóm cây trồng có chất lượng cao của Việt Nam.
Hiện tại hàng nông, lâm sản của tỉnh đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc..., gần đây, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã bước đầu thâm nhập được vào các thị trường mới như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Ðông… Tuy nhiên, ông Ngô Hạnh Phúc cũng cho rằng, tiềm năng nông nghiệp của tỉnh chưa được khai thác hết, và đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, liên vùng là một trong những giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, cần phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du và miền núi phía bắc gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Ưu tiên phát triển chế biến thực phẩm tại khu vực các tỉnh Sơn La, Phú Thọ; chế biến nông sản tại khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ... Tăng cường liên kết vùng, nghiên cứu xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, trao đổi thông tin giữa các địa phương trong vùng, trọng tâm là điều phối hoạt động phát triển vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư vào chế biến.
Đa dạng thị trường và các kênh tiêu thụ
Ông Ðỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay nhiều loại cây ăn quả tại vùng trung du và miền núi phía bắc được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ…, trong đó nhiều loại trái cây có ưu thế lớn như vải thiều của Bắc Giang, xoài và nhãn của tỉnh Sơn La.
“Dư địa thị trường rất lớn cho nên các địa phương cần mở rộng hướng xuất khẩu. Theo đó, xây dựng danh sách doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn đủ năng lực xuất khẩu gửi về Vụ Thị trường châu Á-châu Phi để thuận lợi trong công tác kết nối với nhà nhập khẩu. Danh sách doanh nghiệp cần có đầy đủ thông tin cần thiết như: thư ngỏ tìm kiếm đối tác, catalogue, tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp, năng lực cung ứng sản phẩm, thông tin đầu mối bán hàng… bằng ngôn ngữ phù hợp với thị trường cần xuất khẩu. Một lưu ý nữa là ngoài chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp địa phương cần nghiên cứu khả năng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong khâu đóng gói sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng tại mỗi nước về nhu cầu mẫu mã sản phẩm”, ông Ðỗ Quốc Hưng thông tin thêm.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa các kênh tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đang là hướng tiếp cận mới cho nông sản các địa phương. Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, đại diện Công ty TikTok Việt Nam cho biết: Từ năm 2023, TikTok được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho phép đồng hành để phát triển chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại tại các địa phương.
Vừa qua, tại Lào Cai, TikTok phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đào tạo bán hàng trực tuyến cho 150 doanh nghiệp của 14 địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc. Phiên livestream tập huấn hôm đó tiếp cận 6 triệu người và có 221.000 người vào xem (tương đương bốn hội thảo quy mô cấp vùng). Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bán được hàng sau chương trình đào tạo là 60%. Trong đó, có một doanh nghiệp đã chốt được 2.400 đơn hàng, thu về 500 triệu đồng sau 30 phút livestream, tổng doanh số bán hàng của doanh nghiệp này trong phiên livestream ngày hôm đó là khoảng 600 triệu đồng. Năm 2023, Tiktok đã phối hợp thực hiện 18 chương trình đào tạo, dự kiến năm 2024 sẽ tổ chức sáu chương trình tại các vùng trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam chia sẻ: Từ năm 2009 đến nay, Alibaba đã hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu trực tuyến đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm ở nhiều ngành hàng, trong đó ngành hàng nông nghiệp xếp thứ 4. Ðây cũng là ngành được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng rất cao trong năm 2024.
“Alibaba cũng đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam (Vietnam Pavilion), đây là không gian hàng hóa Made in Vietnam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com, tập hợp sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) toàn cầu, có vai trò then chốt giúp thúc đẩy sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới và đẩy mạnh giao thương giữa nhà mua hàng quốc tế và nhà bán hàng. Ðồng thời đây cũng là cơ hội phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp nông nghiệp vùng trung du và miền núi phía bắc thông qua việc tiếp cận các kênh tiêu thụ thương mại điện tử mới”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên nhấn mạnh.
Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản của khu vực trung du và miền núi phía bắc đạt bình quân 4,3%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Các lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế là: nông nghiệp hữu cơ, đặc sản; lâm nghiệp với diện tích rừng lớn, tổng trữ lượng gỗ chiếm tới 28,1% trữ lượng gỗ cả nước; lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý khá phong phú; chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như trâu, bò thịt, bò sữa chất lượng cao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La)…
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Ðầu tư )
Ý kiến ()