Liên kết vùng trọng điểm Bắc Bộ vẫn chưa đủ mạnh
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả, nhưng công tác điều phối và liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuyến cao tốc nối liền Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn với tổng chiều dài gần 200km đóng vai trò quan trọng với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. |
Đẩy mạnh liên kết vùng là tinh thần được thể hiện nổi bật tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm trong chương trình Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ diễn ra ngày 25/6 tại Hưng Yên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thực hiện Quyết định 198, thời gian qua, các hội nghị hợp tác phát triển Vùng (có mở rộng đối với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng) đã được tổ chức. Các địa phương đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ hợp tác, cam kết hợp tác, hỗ trợ nhau trên nhiều lĩnh vực như phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, huy động vốn đầu tư phát triển; phát triển đào tạo và sử dụng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư; thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng…
Theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả các nội dung đó này tạo ra những kết quả bước đầu trên một số lĩnh vực trong công tác điều phối, liên kết vùng.
Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch về phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, song song là ban hành các kế hoạch và giải pháp thực hiện để thúc đẩy sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong Vùng.
Trong giai đoạn 2016 – 2018, các địa phương Vùng đã thực hiện đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại có tính liên kết cao, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, đặc biệt huy động các nguồn vốn từ tư nhân theo hình thức PPP để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm và công trình cấp bách có ý nghĩa lớn tác động đến sự phát triển của từng địa phương và có tính kết nối liên tỉnh, liên vùng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Một số tỉnh, thành phố trong vùng đã khánh thành đưa vào sử dụng và khởi công được nhiều dự án quan trọng của địa phương và có tính chất liên vùng; góp phần tạo động lực phát triển của 07 tỉnh, thành phố trong Vùng, đặc biệt cải thiện sức hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong khu vực.
Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông của vùng đã có bước phát triển mới, cả về đường bộ, đường sắt, đường không, cảng biển. Trong đó, đáng lưu ý là về đường bộ, nhiều dự án đầu tư liên vùng được quan tâm bố trí vốn đầu tư để khởi công hoặc hoàn thiện, nâng cấp, như tuyến đường bộ ven biển, Cầu Bạch Đằng, Quốc lộ 17B, dự án đường vành đai 5 Vùng Thủ đô đoạn đi qua địa bàn các tỉnh…
Các đô thị của Vùng cũng đã và đang phát huy vai trò tích cực là các cực phát triển kinh tế, địa bàn tạo việc làm và trung tâm dịch vụ tổng hợp của vùng. Trong thời kỳ 2016-2018, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 46,79%, với dân số thành thị tăng trung bình 1,08%/năm.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố trong Vùng, trong đó có thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng; thực hiện tốt kế hoạch điều phối phát triển Vùng, thiết lập hệ thống thông tin Vùng…
Mười lăm tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã ký biên bản hợp tác giai đoạn 2017-2020. Năm 2018, Hà Nội tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển với chủ đề đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển Vùng.
Liên kết mới theo thời vụ, ‘tận thu’
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác điều phối và liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn có những tồn tại, vướng mắc, mà trước hết là chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng Vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả. Những hoạt động gần đây của Hội đồng Vùng chủ yếu là sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Bộ, ngành và các địa phương.
“Hội đồng Vùng chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương. Do đó, Hội đồng Vùng thực hiện các chủ trương, định hướng, chính sách, pháp luật hoàn toàn phụ thuộc vào bộ máy các cơ quan Trung ương và địa phương. Những hoạt động tích cực gần đây của Hội đồng Vùng cũng chỉ là sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các bộ, ngành và các địa phương”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành trung ương, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương trong vùng chưa toàn diện và thường xuyên. Liên kết phát triển chủ yếu khi cần giải quyết vướng mắc. Hiện chưa có phương thức liên kết hiệu quả giữa các địa phương về đào tạo, sử dụng lao động… Sự năng động trong phát triển ở một số địa phương chủ yếu do sáng kiến của lãnh đạo ở từng tỉnh.
Cùng với đó, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong Vùng chủ yếu mới tích cực ở lĩnh vực kinh tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ đào tạo cán bộ, chưa chuyển mạnh sang các bước thực hiện theo dự án, đề án cụ thể.
Hoạt động hợp tác chưa đồng bộ giữa các tỉnh, chủ yếu vẫn chỉ liên kết hợp tác với Hà Nội; liên kết giữa các tỉnh trong khu vực vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ. Nhiều nội dung hợp tác chưa được thực hiện đẩy đủ như việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung, đào tạo nguồn nhân lực… Tính liên kết, tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng giữa các tuyến giao thông liên vùng như các tuyến vành đai, các tuyến hướng tâm, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa cao.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, việc thiết lập hệ thống thông tin của Vùng chưa được quan tâm đúng mức, chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho Vùng.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nhiều giải pháp để đẩy mạnh liên kết vùng, như quy hoạch không gian gắn với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể gắn với ưu tiên về chính sách đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ máy tổ chức vùng, cụ thể hóa thể chế quản trị liên kết vùng gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng Vùng.
Cùng với đó, tiến hành đánh giá kết quả và hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị trong thời gian vừa qua để xây dựng kế hoạch hoàn thành đầu tư các dự án trọng điểm, đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng cho giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo…
Về phía “đầu tàu” Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề xuất sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch Vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của Vùng.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của Vùng, chú ý đến phát huy và khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương. Trước mắt, tập trung thực hiện liên kết giữa các địa phương trong vùng trên hai lĩnh vực chủ yếu: liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn… (chú trọng thu hút các dự án đầu tư theo chuỗi, đầu tư dự án mang tính logictics, liên kết đầu tư).
Các địa phương trong Vùng tiếp tục đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong liên kết phát triển liên kết vùng để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và toàn Vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung của Vùng…
Củng cố và nâng cao vị thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước. Là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế, thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế. Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. (Quyết định số 198 của Thủ tướng Chính phủ) |
Theo Chinhphu
Ý kiến ()