Liên kết vùng phục vụ công nghiệp hóa
Xưởng sản xuất của Công ty may Phú Dụ thuộc KCN Minh Đức. Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giáp Thủ đô Hà Nội và các trung tâm công nghiệp lớn, tỉnh Hưng Yên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển liên kết vùng, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp.Thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Hưng Yên chủ động quy hoạch ngành nghề gắn với mục tiêu chung của vùng. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh đều hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, liên kết vùng chặt chẽ, khai thác lợi thế về địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực.Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết: Ngành nông nghiệp Hưng Yên đã quy hoạch các vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, rau quả khai thác lợi thế và điều kiện sản xuất...
|
Thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Hưng Yên chủ động quy hoạch ngành nghề gắn với mục tiêu chung của vùng. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của tỉnh đều hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, liên kết vùng chặt chẽ, khai thác lợi thế về địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết: Ngành nông nghiệp Hưng Yên đã quy hoạch các vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, rau quả khai thác lợi thế và điều kiện sản xuất của từng địa phương đáp ứng nhu cầu của thị trường Thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ bấp bênh thành mô hình kinh tế trang trại, hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện triển khai sâu, rộng chương trình “nạc hóa” đàn lợn, “sin hóa” đàn bò, nuôi cá rô phi đơn tính, chương trình sản xuất giống lúa, rau quả chất lượng cao. Tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; cung cấp thông tin về thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản và xúc tiến thương mại. Tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến… nhằm hỗ trợ, khuyến khích nông dân cải tạo chất lượng cây, con giống, đẩy nhanh tiến trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Nhiều chợ nông sản được ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán nông sản, thực phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Với cách làm sáng tạo, năng động gắn với thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã phát triển nhanh, hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh lớn, thâm canh cao như vùng trồng cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh, dược liệu ở các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu; vùng trồng rau chuyên canh ở huyện Yên Mỹ, TP Hưng Yên; vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào và Ân Thi; vùng nhãn lồng đặc sản TP Hưng Yên, huyện Tiên Lữ… Trên đồng ruộng xuất hiện ngày càng nhiều cánh đồng cho thu nhập từ hơn 100 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Phát triển giao thông luôn được tỉnh Hưng Yên quan tâm để kết nối và khai thác hiệu quả mối liên kết vùng. Với phương châm “giao thông đi trước một bước” tỉnh Hưng Yên huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giao thông thúc đẩy phong trào làm đường giao thông ở khắp các địa phương. Giám đốc Sở Giao thông, vận tải Hưng Yên cho biết: Nguồn vốn đầu tư cho giao thông lớn, hằng năm tỉnh ưu tiên dành khoảng 30% nguồn vốn đầu tư cho phát triển giao thông, đồng thời các địa phương huy động thêm vốn của nhân dân để xây dựng đường thôn, xóm. Một số huyện làm tốt công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường liên thôn, liên xã đã làm giảm chi phí đầu tư xây dựng. Huyện Phù Cừ có nhiều tuyến đường do dân hiến đất như: đường Minh Tân – Phan Sào Nam, Quang Hưng – Phan Sào Nam, Quang Hưng – Quán Đỏ… Một số cầu, đường được xây dựng thông qua hình thức BOT, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng như cầu Yên Lệnh, đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội… Bằng các nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn của nhân dân và doanh nghiệp, vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ đến nay quốc lộ 5, quốc lộ 39, quốc lộ 38 đã xây dựng xong, toàn tỉnh xây dựng, nâng cấp 1.600 km giao thông nông thôn; hệ thống giao thông từng bước hoàn thiện; giúp cho giao lưu kinh tế – xã hội giữa các vùng trong tỉnh với các trung tâm kinh tế, các tỉnh lân cận được thông suốt.
Triển khai nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, đến nay tỉnh quy hoạch được 14 khu công nghiệp, trong đó có năm khu đi vào hoạt động. Công tác cải cách thủ tục hành chính được tiến hành quyết liệt. Trong năm năm qua, tỉnh Hưng Yên đã thu hút thêm gần 500 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD; nâng tổng số dự án đầu tư trong và ngoài nước lên hơn 850 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,6 tỷ USD, có hơn 500 dự án đi vào hoạt động, đạt giá trị sản xuất công nghiệp gần 20 nghìn tỷ đồng. Các thành phần kinh tế được tạo điều kiện hoạt động, mỗi năm có khoảng 300 doanh nghiệp được thành lập, tạo việc làm mới cho khoảng 25 nghìn lao động.
Sau năm năm thực hiện Nghị quyết số 54, từ năm 2006 đến 2010 tổng sản phẩm xã hội của tỉnh tăng bình quân 11,75%/năm; cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn chiếm 25%, công nghiệp xây dựng chiếm 44%, thương mại dịch vụ chiếm 31%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách tăng bình quân 23,4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3%…
Trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát huy cao hiệu quả liên kết vùng. Trước mắt huy động tối đa và sử dụng hợp lý các nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm trọng điểm xây dựng những công trình quan trọng như: Tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Hoàn thành những công trình mở rộng, nâng cấp đường đê tả sông Hồng, sông Luộc, tuyến đường 200 tạo giao thông thông suốt cho các vùng ven đê với Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và du lịch phát triển. Quy hoạch các điểm đấu nối các tuyến đường của tỉnh vào các tuyến đường quốc gia, đường vành đai 3,5 và đường vành đai 4 Hà Nội. Quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Theo Nhandan
Ý kiến ()