Liên kết vùng phát triển công nghiệp - thương mại Hà Nội
Với lợi thế của Thủ đô, Hà Nội đã tạo nên sức hút và khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Để sự liên kết này phát huy hiệu quả hơn, Hà Nội tiếp tục tăng cường giao thương giữa doanh nghiệp Thủ đô và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong vùng.
Với lợi thế của Thủ đô, Hà Nội đã tạo nên sức hút và khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Để sự liên kết này phát huy hiệu quả hơn, Hà Nội tiếp tục tăng cường giao thương giữa doanh nghiệp Thủ đô và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong vùng.
Hiện nay, số dân Hà Nội ước tính khoảng bảy triệu người, mật độ trung bình gần 2.000 người/km2, chưa kể gần hai triệu lao động không thường xuyên, tạo nên một thị trường rộng lớn. Đồng thời, cũng tạo sức ép lên khả năng sản xuất, cung ứng hàng hóa của thành phố. Theo Sở Công thương Hà Nội, thành phố hiện chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu về gạo, thịt gà, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản… Phần còn lại, phải khai thác ở các tỉnh lân cận và các địa phương phía nam. Nhưng ngược lại, Hà Nội cũng tập trung hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp của Thủ đô thường xuyên quan tâm đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, mức giá phù hợp với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, việc thâm nhập và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp này vẫn đang gặp khó khăn do hệ thống cung cấp đầu vào và cả hệ thống tiêu thụ còn nhiều bất cập. Do vậy, công tác liên kết vùng, giao thương, trao đổi hàng hóa để cùng tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, vùng miền được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Trong những năm gần đây, công tác liên kết phát triển giữa Hà Nội và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ ngày càng được chú trọng. Cụ thể, liên kết để tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; liên kết tạo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, giao thương giữa các tỉnh trong vùng và ngoài vùng. Sở Công thương 14 tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước, hoạt động phát triển công nghiệp, thương mại. Từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai hợp tác và ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc, trao đổi, ký kết hợp đồng mua bán, cung ứng hàng hóa hai chiều. Riêng với tỉnh Bắc Giang, hai Sở Công thương đã thực hiện hiệu quả việc quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm (nhất là tạo nguồn gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội). Sở Công thương Hà Nội cũng đang triển khai việc đào tạo nghề thủ công cho năm làng, bản thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn…
Từ năm 2012 đến nay, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ trì tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 119 hội chợ trong và ngoài nước, trong đó 102 hội chợ trong nước, 17 hội chợ, giao thương tại nước ngoài. Nhiều chương trình đã trở thành hoạt động thường niên như chương trình “Tháng khuyến mại”, “Phiên chợ Việt”, “Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu”, “Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ”, “Hội chợ ngành công nghiệp hỗ trợ”… Hằng năm, các chương trình bình ổn giá được mở rộng, phát triển cả về quy mô lẫn phương thức thực hiện, phục vụ nhân dân các xã miền núi, hải đảo, các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Tính riêng chương trình bình ổn giá, các Sở Công thương đã tham mưu UBND các tỉnh, thành phố dành ngân sách hơn 761,5 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ứng với lãi suất 0% để dự trữ một số mặt hàng thiết yếu và tổ chức hơn 927 chuyến bán hàng bình ổn giá lưu động. Tình hình cung cầu hàng hóa bảo đảm phong phú, dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bảy tháng đầu năm 2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đạt hơn 440 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 29,6% so với toàn quốc. Trong đó, Hà Nội vẫn duy trì là thành phố có tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lớn nhất trong vùng (hơn 48,7%). Hà Nội chú trọng công tác liên kết với lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong vùng. Các thông tin, vướng mắc phát sinh, biến động giá cả trên thị trường thường xuyên được lực lượng quản lý thị trường trao đổi, học hỏi lẫn nhau, qua đó giúp phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi công vụ, kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các tuyến quốc lộ, địa bàn giáp ranh…, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Tuy vậy, Sở Công thương Hà Nội vẫn nhận định, tình hình kinh tế thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố còn chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh vốn có. Do vậy, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường liên kết, phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành phố để triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu; thúc đẩy phát triển thương mại nội địa, thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()