Liên kết vùng để phục hồi kinh tế
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng một số địa phương vẫn đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân vốn đầu tư công có điểm sáng. Yêu cầu mới đặt ra cho các địa phương trong giai đoạn này là phải khắc phục được những tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tranh thủ được những cơ hội mới, xu thế mới trong phát triển để sớm phục hồi kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) vừa tổ chức chuỗi hội thảo với các địa phương trong cả nước theo vùng để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 2022. Từ đó xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, bảo đảm đạt các chỉ tiêu cao nhất đóng góp cho tăng trưởng chung của đất nước.
Tận dụng được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương
Kết quả phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công của các địa phương trong cả nước từ đầu năm đến nay không đồng đều do mức độ bùng phát của đại dịch Covid-19.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi Bắc Bộ đạt được những kết quả khả quan, cao hơn mức tăng chung của cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đồng bằng sông Hồng sáu tháng đầu năm 2021 đạt 7,67% (cả nước là 5,64%). Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương tăng cao ở mức hai con số, như: Hải Phòng tăng 20,63%, Vĩnh Phúc tăng 15,23%…, nằm trong top cao về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có được kết quả này là do các địa phương đã chủ động phối hợp và liên kết phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, xây dựng đường cao tốc, nâng cấp đường quốc lộ và một số tuyến tỉnh lộ để tạo mạng lưới đồng bộ, tiến tới hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng và với các địa phương lân cận. Ðồng thời, có sự phối hợp trong phát triển du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu để tạo sự đồng bộ, chủ động trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa… Tốc độ tăng trưởng vùng miền trung và Tây Nguyên cũng đạt mức cao hơn tăng trưởng chung của cả nước, lần lượt là 6,4% và 7,21%. Năm 2021, các địa phương vùng miền trung và Tây Nguyên đã có sự phối hợp liên kết vùng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, giải quyết việc làm, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường… và đang tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách chung để khai thác, phát huy các lợi thế của từng địa phương; tập trung xúc tiến thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch và quảng bá văn hóa. Quá trình liên kết này nhằm hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng, tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng.
Riêng vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng bình quân thấp hơn tốc độ tăng trưởng cả nước với mức tăng GRDP tương ứng đạt 4,58% và 4,5% do chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước bởi đại dịch Covid-19. Thời gian giãn cách kéo dài đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển dịch vụ, nông nghiệp, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Dự kiến cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng của một số địa phương vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có thể bị tăng trưởng âm.
Trong bối cảnh đó, vấn đề liên kết vùng càng trở nên cấp bách. Bộ trưởng KH và ÐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau. Từ thực tế phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, bộ trưởng lưu ý có một số tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng cần quan tâm đến tình trạng phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI lớn. Có thể duy trì các nhà đầu tư chiến lược, nhưng cũng phải đa dạng các lĩnh vực đầu tư và nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào một nhà đầu tư, một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ vì giá trị gia tăng vẫn thấp, chủ yếu tận dụng giá rẻ và lợi thế so sánh của Việt Nam.
Hết quý III giải ngân 60% kế hoạch vốn đầu tư công
Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư công tiếp tục giữ vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng và tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, các dự án liên kết vùng, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, Bộ KH và ÐT đề nghị các địa phương xây dựng các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chín tháng đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm, tránh trường hợp phải điều chuyển nguồn vốn. Ðặc biệt, cần tập trung công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 bảo đảm triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và toàn vùng.
Theo Thứ trưởng KH và ÐT Trần Duy Ðông, các địa phương cần bám sát các hướng dẫn, văn bản đã được ban hành để hoàn thiện, cập nhật dự báo sát với tình hình thực tiễn và xu hướng chung của cả nước. Việc đề xuất, phân bổ các dự án trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên, phù hợp khả năng giải ngân, thực hiện của các dự án; đẩy mạnh thu hồi vốn ứng trước, thanh toán đầy đủ vốn nợ đọng xây dựng cơ bản nếu có; ưu tiên triển khai dự án liên vùng; việc phân bổ phải gắn với công tác quy hoạch theo lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương… Do năm 2021 là năm đầu tiên của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, những dự án đến tháng 9 mới được giao trong kế hoạch thì thời gian còn lại của năm 2021 sẽ không đủ để thực hiện dự án, Bộ KH và ÐT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để có thể kéo dài vốn sang năm 2022■
Ý kiến ()