Liên kết với nông dân tạo nguồn cà-phê xuất khẩu
Thu hoạch cà-phê tại Công ty cà-phê Thắng Lợi (Đác Lắc). Các doanh nghiệp bước đầu liên kết với các nông hộ sản xuất cà-phê sạch tạo vùng nguyên liệu nhằm góp phần chủ động nguồn hàng cà-phê nhân chất lượng cao đã và đang hình thành ở tỉnh Đác Lắc. Đây là hướng sản xuất bền vững cho vùng cà-phê lớn nhất cả nước...Chúng tôi có mặt ở vùng sản xuất cà-phê của Công ty TNHH MTV xuất khẩu cà-phê 2-9 và Công ty cà-phê Trung Nguyên liên kết với nông dân trên diện tích 12.100 ha. Ai cũng nhận rõ vùng cà-phê xanh mát, được đầu tư bài bản và hứa hẹn một mùa bội thu. Nông dân Nguyễn Văn Hai, ở xã Ea Kiết, huyện Cư MếGar cho biết, gia đình anh có hơn hai ha cà-phê đang trong giai đoạn kinh doanh, nếu trừ các chi phí đầu tư cho vườn cây thì mỗi năm anh cũng thu lãi khoảng 140 triệu đồng. So với một số hộ nuôi gà trang trại, trồng cây hoa màu khác trên địa bàn thì thu nhập từ trồng cà-phê theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp, đầu...
Thu hoạch cà-phê tại Công ty cà-phê Thắng Lợi (Đác Lắc). |
Các doanh nghiệp bước đầu liên kết với các nông hộ sản xuất cà-phê sạch tạo vùng nguyên liệu nhằm góp phần chủ động nguồn hàng cà-phê nhân chất lượng cao đã và đang hình thành ở tỉnh Đác Lắc. Đây là hướng sản xuất bền vững cho vùng cà-phê lớn nhất cả nước…
Chúng tôi có mặt ở vùng sản xuất cà-phê của Công ty TNHH MTV xuất khẩu cà-phê 2-9 và Công ty cà-phê Trung Nguyên liên kết với nông dân trên diện tích 12.100 ha. Ai cũng nhận rõ vùng cà-phê xanh mát, được đầu tư bài bản và hứa hẹn một mùa bội thu. Nông dân Nguyễn Văn Hai, ở xã Ea Kiết, huyện Cư MếGar cho biết, gia đình anh có hơn hai ha cà-phê đang trong giai đoạn kinh doanh, nếu trừ các chi phí đầu tư cho vườn cây thì mỗi năm anh cũng thu lãi khoảng 140 triệu đồng. So với một số hộ nuôi gà trang trại, trồng cây hoa màu khác trên địa bàn thì thu nhập từ trồng cà-phê theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp, đầu tư theo mô hình sản xuất cà-phê sạch tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu thì thu nhập cao và ổn định hơn.
Các huyện Krông Năng, Krông Búc và thị xã Buôn Hồ là những nơi có diện tích cà-phê lớn của tỉnh Đác Lắc. Niên vụ 2011 – 2012 bà con đang rất phấn khởi vì được mùa, năng suất đạt 3,5 đến 4 tấn nhân/ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Krông Năng Lê Rế, chia sẻ: Để nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê, Phòng NN và PTNT huyện cũng thường xuyên phối hợp với nhiều doanh nghiệp mở các lớp tập huấn kỹ thuật, triển khai mô hình phát triển cà-phê tiên tiến, bền vững về các xã, từ đó bà con tham gia, ủng hộ rất nhiệt tình. Qua đó, cùng với các doanh nghiệp đầu tư cho các hộ sản xuất cà-phê nhằm tạo ra vùng cà-phê xuất khẩu. Nhiều công trình nghiên cứu về “Mô hình sản xuất cà-phê sạch, bền vững” theo tiêu chuẩn quốc tế được ứng dụng trong hàng trăm mô hình ở các địa bàn TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư Mếgar, Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Búc, Buôn Hồ. Đây được xem là bước đột phá trong sản xuất cà-phê ở Đác Lắc. Từ quy trình sản xuất khép kín của các mô hình trên, hứa hẹn không bao lâu nữa, chất lượng cà-phê Việt Nam sẽ đủ sức để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nguyễn Văn Sinh cho biết: Việc sản xuất cà-phê bền vững đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình khép kín, ngay từ khâu trồng phải đúng kỹ thuật, phù hợp với từng loại thổ nhưỡng và khí hậu; khâu chăm sóc cũng phải bảo đảm an toàn cho cây không bị sâu bệnh, ít rủi ro. Đến khi thu hoạch phải hái chín, hái đúng quy trình… Nhờ thế, các mô hình sản xuất cà-phê sạch, bền vững có năng suất cao hơn cà-phê sản xuất thường từ bảy tạ đến một tấn nhân/ha, và chất lượng luôn được đánh giá cao; giá cao hơn các loại cà-phê thường khác từ 250 đến 500 đồng/kg. Điều đó thu hút người trồng cà-phê tham gia thành lập các nhóm hộ để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Trần Văn Cảnh ở thôn Thống Nhất, xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho hay: Nhóm của ông gồm sáu hộ dân được Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty TNHH MTV xuất khẩu cà-phê 2-9… triển khai mô hình trồng cà-phê sạch theo hướng bền vững từ năm 2006, đến nay đã cho hiệu quả cao hơn hẳn trước đây. Cây sinh trưởng rất tốt, khả năng đậu quả nhiều, hạt mẩy, năng suất, chất lượng cao. Đã có nhiều hộ dân lân cận đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Sắp tới ông sẽ vận động thêm bà con trong xã thực hiện mô hình sản xuất cà-phê liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ.
Ông Trịnh Đình Công ở xã Pơng Đrang, huyện Krông Búc chia sẻ: Việc sản xuất cà-phê bền vững sẽ được nhà đầu tư cam kết, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật cũng như hỗ trợ vốn chăm sóc; khi xuất bán sẽ ít lo hơn về giá cả bấp bênh trên thị trường. Bà con dân tộc Ê Đê ở xã vùng sâu Ea Tul, huyện Cư MếGar bộc bạch, sau khi liên kết với Công ty cà-phê Trung Nguyên đã nắm vững và thực hiện tốt các quy tắc trong sản xuất cà-phê sạch từ khâu trồng, chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước… Kết quả, niên vụ vừa qua chi phí đầu tư mỗi ha cà-phê giảm từ bốn đến năm triệu đồng, trong khi chất lượng vườn cây, năng suất, sản lượng và sản phẩm cà-phê nhân đều đạt mức cao. Doanh nghiệp cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà-phê nhân với giá thu mua cao hơn 400 đồng/kg so với giá thị trường. Vùng nguyên liệu sản xuất cà-phê sạch của Công ty cà-phê Thắng Lợi tập trung trên địa bàn huyện Krông Pác, rộng 1.800 ha đã được công ty đầu tư, xây dựng 27 km kênh mương, phục vụ tưới cà-phê đúng lịch…
Hiện, tỉnh Đác Lắc đang khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ, nhóm hộ nông dân trồng cà-phê trên địa bàn giám sát, quản lý và chia sẻ các công đoạn sản xuất nhằm hạn chế những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng cà-phê. Các công ty sản xuất, kinh doanh cà-phê như Thắng Lợi, 10-3, Phước An, Ea Pôk, DếRao, Buôn Hồ, Việt Đức, Thái Hòa, Trung Nguyên… đã cùng người nông dân làm chủ và từng bước xây dựng được những tiêu chí về chất lượng cà-phê đạt chuẩn quốc tế: UTZ Certifild (của Hà Lan) và 4C (Conmon Code fo the Coffee Communitri – Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà-phê thế giới) với hàng nghìn hộ tham gia trên diện tích khoảng 13 nghìn ha. Tổng công ty cà-phê Việt Nam cũng đã đầu tư 950 tỷ đồng để tái canh vườn cây cà-phê trong cả nước từ nay cho đến năm 2020 (trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm gần 80% diện tích), với mục đích tăng năng suất, chất lượng cho mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế này. Mọi nỗ lực đó cho thấy, việc quan tâm đến chất lượng cà-phê Việt Nam hiện nay là vấn đề bức xúc và khẳng định thương hiệu cà-phê Việt Nam. Ban chỉ đạo “Đề án phát triển cà-phê bền vững” của tỉnh Đác Lắc cũng đã mở nhiều lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà-phê bền vững cho hàng trăm hộ nông dân ở các vùng trọng điểm. Ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột với diện tích khoảng 80 nghìn ha (chiếm hơn 2/3 diện tích cà-phê toàn tỉnh) để phát triển theo hướng bền vững, có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. Vận động nông dân làm cà-phê tham gia thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới để hướng tới việc chủ động xây dựng vùng chuyên canh, liên kết với các thành phần kinh tế, dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh Đác Lắc thực hiện đề án phát triển cà-phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Thông qua dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Đác Lắc do Ngân hàng thế giới tài trợ với nguồn kinh phí 7,5 triệu USD, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà-phê ở Đác Lắc đang đứng trước lợi thế không nhỏ để liên kết với người nông dân, tạo ra vùng nguyên liệu cho mình. Sở NN và PTNT đã mời một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà-phê trên địa bàn tỉnh tham gia dự án trong vai trò “bà đỡ cho nông dân.
Tỉnh Đác Lắc không chỉ có diện tích cà-phê lớn nhất trong cả nước (gần 200 nghìn ha), mà những năm gần đây, chất lượng cà-phê cũng luôn được các chuyên gia đánh giá rất cao, góp phần để Việt Nam giữ vững vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà-phê nhân. Việc liên kết giữa doanh nghiệp thu mua với các nông hộ sản xuất không những tạo được nguồn hàng cà-phê nhân chất lượng cao, ổn định cho nhu cầu xuất khẩu, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cho đồng bào các dân tộc theo hướng tiến bộ; tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất, từng bước nâng tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý và sản xuất cà-phê; tạo điều kiện gắn bó giữa nhà sản xuất với đơn vị thu mua chế biến, xuất khẩu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()