Liên kết với doanh nghiệp FDI để thúc đẩy xuất khẩu gỗ
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong ngành gỗ Việt Nam. Tính đến hết năm 2023, ngành gỗ có 706 doanh nghiệp FDI và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 47% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành...
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), năm 2023, ngành gỗ đã thu hút 57 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, trong đó, các dự án có vốn sở hữu từ Trung Quốc chiếm 49,1% số lượng các dự án và 35,5% số vốn đầu tư. Chế biến gỗ vẫn là nhóm ngành hàng nhận được nhiều dự án đầu tư FDI mới, tiếp đến là ván nhân tạo (gỗ dán, ván sàn), viên nén, thương mại gỗ và phụ trợ ngành gỗ.
Các địa phương đón nhận nhiều dự án mới nhất gồm Bình Dương (18 dự án), Bình Phước (15 dự án), Long An và Bắc Giang (cùng nhận được ba dự án). Năm 2023, số lượng các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm 18,8% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu của cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đạt tới 6,24 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.
Chuyên gia Cao Thị Cẩm (VIFOREST) đánh giá, sự gia tăng hoạt động của các doanh nghiệp FDI, bao gồm cả khâu xuất khẩu, một phần là kết quả từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia, một phần do lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam và sự phát triển của hệ sinh thái ngành gỗ của quốc gia. Bên cạnh đó, ngành gỗ có sức hút FDI là do các chính sách ưu đãi của Chính phủ và cũng đang được hưởng lợi trực tiếp từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với một số sản phẩm đồ gỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm FDI luôn chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Số lượng doanh nghiệp FDI tham gia ngành gỗ và kim ngạch xuất khẩu của khối này luôn có sự tăng trưởng ổn định trong những năm vừa qua. Khối doanh nghiệp này là một trong những động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế với các yếu tố đầu vào quan trọng để phát triển như sức mạnh về vốn, trình độ quản lý, công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường.
Chính phủ cũng kỳ vọng theo thời gian, các yếu tố đầu vào này sẽ được lan tỏa sang khối doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà quản lý cho rằng, nhìn chung, các dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ tập trung vào các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, chủ yếu là các dự án sản xuất sản phẩm giường, tủ bếp, bàn ghế. Trung Quốc vẫn là quốc gia chiếm ưu thế về số lượng cũng như mức vốn đầu tư ở các hạng mục góp vốn mua cổ phần và điều chỉnh vốn. Đặc điểm nổi bật của các nhà đầu tư từ Trung Quốc là quy mô của mỗi dự án đầu tư tương đối nhỏ, nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc lại cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu.
Năm 2023, Bình Phước trở thành tỉnh đón nhận dòng vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất cả nước, vượt qua Bình Dương - tỉnh luôn đứng đầu về địa chỉ nhận nguồn vốn FDI vào ngành gỗ trước đó. Nhìn chung, các dự án FDI trong ngành gỗ vẫn tập trung ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Long An, Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số yếu tố hình thành tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài tại các tỉnh, thành phố này bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và sự năng động trong công tác xúc tiến đầu tư của địa phương. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ hiện nay cho thấy, số lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu
trực tiếp nhỏ nhưng kim ngạch xuất khẩu lại rất lớn, đây là điều đáng suy ngẫm đối với ngành gỗ Việt. Điều này thể hiện tính vượt trội trong sản xuất theo chuỗi của khối này so với khối doanh nghiệp nội địa. Ưu thế này có thể đến từ nhiều yếu tố như quy mô sản xuất, đầu tư, trình độ quản lý, công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường,...
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends đánh giá: Chỉ chiếm từ 18-19% trong tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, nhưng kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp FDI luôn đạt ở mức cao đã thể hiện sự vượt trội của khối này trong khâu xuất khẩu.
Sự vượt trội của các doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ cần được tổng kết và lấy đó làm nền tảng để tạo hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nghiệp nội địa. Đến nay, kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Chính phủ và các hiệp hội gỗ cũng cần thúc đẩy việc hình thành môi trường thể chế và chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích cho việc hình thành liên kết, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp.
Kết nối này cũng nên bao gồm sự tham gia mạnh mẽ và thực tế hơn của khối doanh nghiệp trong ngành gỗ. Năm 2024, theo nhận định vẫn là năm khó khăn cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Do vậy, việc thực hiện tốt sự gắn kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai...
Ý kiến ()