Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có gần 300 nghìn ha cây ăn trái các loại (chiếm 35% diện tích, 46% sản lượng cả nước). Nhiều loại trái cây của vùng đã nổi tiếng trong và ngoài nước như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, dứa Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, bưởi da xanh Bến Tre, quýt hồng Đồng Tháp. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, tình trạng "mất mùa trúng giá, trúng mùa mất giá" vẫn diễn ra thường xuyên như cơm bữa, khiến người nông dân lao đao.
Chuyện trồng – chặt cũng theo đó mà liên tiếp tái diễn. Nhiều người trách nông dân chúng tôi chạy theo lợi nhuận, không có sự đầu tư bài bản, dài hơi, liên tục thay đổi cây trồng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững của ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây. Nhưng điều đó cũng là “bất khả kháng” vì vào đầu vụ, người dân không hề nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng về quy hoạch cây trồng, dự báo thị trường… để quyết định đầu tư vào cây gì.
Chúng tôi đành phải “tự dự báo” trên nền sức mua của thị trường mùa vụ trước. Loại trái cây nào bán được nhiều thì đầu tư mở rộng, loại nào không bán được thì chặt bỏ hoặc hạn chế công chăm sóc. May mắn thì có vài vụ liên tiếp trúng giá, còn không, sau mỗi mùa mở rộng diện tích, lại là một mùa thất bát, nợ nần. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được liên kết thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách chặt chẽ với các thương lái, doanh nghiệp để hằng năm có kế hoạch đầu tư sản xuất phù hợp. Thực tế, việc ký hợp đồng giữa chủ vườn với thương lái mấy năm gần đây cũng đã có, nhưng hầu hết vẫn chỉ là hợp đồng miệng, có hiệu lực trong thời gian ngắn, tính pháp lý lại không chặt chẽ nên tình trạng phá vỡ hợp đồng từ cả bên mua và bên bán thường xuyên xảy ra. Do vậy, việc tiêu thụ trái cây vẫn còn rất bấp bênh.
Theo dự kiến, thời gian tới, các địa phương trong vùng ĐBSCL sẽ quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất trái cây chủ lực. Từ đó, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết ngang chặt chẽ và hiệu quả. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất trái cây tập trung để tạo thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời triển khai mạnh mẽ chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp…
Chúng tôi thiết tha mong muốn những giải pháp đó sớm được triển khai đồng bộ để các nhà vườn tập trung đẩy mạnh sản xuất, chứ không phân tâm, lo lắng về thị trường tiêu thụ như hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()