Từ hợp đồng cung ứng, gia công
Nếu như trước năm 2008, giữa các doanh nghiệp CBTS và những hộ nuôi cá hầu như chẳng có sự ràng buộc nào với nhau thì hiện nay, mối quan hệ đó đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng cá tra nguyên liệu các năm 2008 – 2009, một số hộ nuôi cá thiếu tiềm lực tài chính phải treo ao không nuôi tiếp đã khiến cho diện tích thả nuôi và sản lượng cá tra nguyên liệu giảm đáng kể. Thực tế nêu trên đã buộc các nhà chế biến phải tính đến phương án liên kết với các hộ nuôi để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Với người nuôi cá, chuyện giá cả tiêu thụ thường xuyên bấp bênh cũng tạo nên tâm lý ngán ngại trong đầu tư sản xuất. Đây chính là lý do để nhà chế biến và người nuôi trồng gặp nhau triển khai những bản hợp đồng cung ứng nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Hình thức kết hợp này được xem là “nhất cử lưỡng tiện” khi cả hai bên đều đạt được những hiệu quả như mong đợi. Với nhà chế biến, đó chính là sự chủ động về sản lượng và bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu ngay từ đầu. Còn những hộ nuôi trồng, đó là một sự bảo đảm đầu ra với giá thỏa thuận có thể chấp nhận được.
Ông Lê Văn Phước, một người nuôi cá tại ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh cho biết: “Trước đây nuôi tự phát, chỉ làm theo kinh nghiệm. Do không có trình độ chuyên môn bài bản cho nên có khi chất lượng cá thương phẩm không như mong muốn. Từ khi liên kết với Công ty CP Vĩnh Hoàn, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh mà chất lượng sản phẩm được nâng lên. Nếu không kết hợp Công ty CP Vĩnh Hoàn, chúng tôi không thể xây dựng ao nuôi củamình theo chuẩn Global GAP được.”
Một mô hình liên kết khác cũng khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian gần đây chính là nuôi gia công. Người nuôi cá được doanh nghiệp chế biến hỗ trợ chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và kỹ thuật để sản xuất gia công cá tra nguyên liệu theo một tỷ lệ lợi nhuận ăn chia nhất định. Với cách làm này, hiện tại, Công ty TNHH Hùng Cá tại huyện Thanh Bình, đã thiết lập được vùng nuôi cá cho nhà máy mình trên diện tích hơn 300 ha. Căn cứ vào sản lượng cá đạt được sau mỗi đợt thu hoạch, doanh nghiệp CBTS sẽ chi cho người nuôi gia công 25% lợi nhuận thu được, mặc dù trong quá trình này, người nuôi không phải bỏ vốn đầu tư mà chỉ góp bằng cơ sở vật chất ao nuôi và công quản lý. Mô hình này có thể mang lại lợi thế kép cho chuỗi sản xuất con cá tra. Bởi với người nuôi cá, mặt hạn chế lớn nhất chính là tiềm lực tài chính và thông tin thị trường. Khi được nhà chế biến hỗ trợ về chi phí, kỹ thuật và nhất là có thể sản xuất theo nhu cầu chất lượng mà nhà chế biến đặt ra, người nuôi cá không phải bận tâm nhiều về đầu ra cũng như có thể yên tâm hơn về lợi nhuận mang lại sau quá trình sản xuất.
“Liên kết với Công ty TNHH Hùng Cá theo hình thức gia công rất yên tâm về giống, kỹ thuật và đầu ra. Công ty cho kỹ sư đến giám sát vùng nuôi, hỗ trợ chăm sóc cá để đạt hiệu quả cao, và đồng lãi cũng được chia nhau một cách sòng phẳng,…”- Ông Dương Văn Nghiêm, một người nuôi cá gia công ở khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho biết. Còn theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá: Với doanh nghiệp CBTS, khi xây dựng được vùng nuôi gia công cho mình, doanh nghiệp không chỉ yên tâm để triển khai những chương trình quản lý chất lượng ngay từ khâu nuôi trồng, từ đó tạo nên một lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, mà đây còn là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất minh bạch, có thể giúp quá trình truy nguyên nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn.
…Đến liên doanh, liên kết
Một loại hình liên kết nhiều tiềm năng khác cũng được Công ty TNHH thực phẩm QVD Đồng Tháp triển khai trong năm 2010 và đã mang lại hiệu quả tích cực. Để việc liên kết thật sự chặt chẽ và thu hút được nhiều nguồn lực để cùng đầu tư phát triển, Công ty QVD đã triển khai liên doanh với những hộ nuôi cá có kinh nghiệm, có nguồn lực kinh tế mạnh theo mô hình cùng góp vốn, thành lập công ty nuôi trồng chuyên nghiệp. Công ty Cổ phần QVD Tân Hòa tại ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình ra đời trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và tiến bộ khoa học mà hai bên cùng mang lại. Phía hộ nuôi thì có sẵn 16 ao nuôi với diện tích hơn 30 ha, có trang thiết bị nuôi trồng và cả kinh nghiệm quản lý chăn nuôi qua nhiều năm. Phía doanh nghiệp chế biến thì có vốn, có thông tin thị trường và có mối quan hệ tốt với các đơn vị tư vấn, có thể hỗ trợ xây dựng vùng nuôi đạt các tiêu chuẩn khắt khe như Global GAP hay BAP… Thông qua mối liên kết này, hai bên đang hướng đến mục tiêu phát triển thêm diện tích vùng nuôi, đến cuối năm 2011 sẽ đạt 100 ha.
Giám đốc Công ty Cổ phần QVD Tân Hòa Nguyễn Văn Dũng, cho biết: Qua gần 20 năm kinh nghiệm trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tôi đã thấm thía nhiều điều và trải qua không ít khó khăn. Cái khó lớn nhất với tôi chính là thiếu thông tin thị trường nên không đưa ra được kế hoạch sản xuất cụ thể. Khi kết hợp Công ty QVD để thành lập công ty nuôi trồng, mọi hoạt động từ công tác quản lý kỹ thuật, triển khai vốn cũng như công tác tổ chức sản xuất đều được định hướng và lên kế hoạch rõ ràng. Sự chủ động như vậy đã giúp mang lại thành công cho chúng tôi. Có được những thông tin từ vùng nuôi sẽ giúp cho doanh nghiệp chế biến chủ động hơn trong việc đàm phán hợp đồng với khách hàng. Ngược lại, những thông tin thị trường từ phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng giúp cho phía hộ nuôi có sự điều chỉnh hợp lý về sản lượng và chất lượng để phù hợp nhu cầu củathị trường trong từng thời điểm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp Nhị Văn Khải nhận xét, việc thúc đẩy các mối liên kết hợp tác giữa nhà chế biến và hộ nuôi thủy sản là rất cần thiết để xây dựng một nền sản xuất chế biến thủy sản bền vững. Tùy vào điều kiện củatừng doanh nghiệp mà cách làm có khác nhau. Tuy nhiên, kết quả chung nhất vẫn là mang lại sự ổn định. Với các mô hình liên kết này, các doanh nghiệp CBTS ở Đồng Tháp đã có thể chủ động từ 30 đến 50% nguyên liệu chế biến cho các nhà máy củamình. Đây được xem là một bước đi căn cơ, có thể tạo nên sự ổn định, vững chắc trong khâu cung cấp nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu củacác nhà máy.Việc các doanh nghiệp CBTS củatỉnh Đồng Tháp chủ động xây dựng những mô hình liên kết, kết nối những mắt xích với nhau chính là tiền đề để ngành công nghiệp CBTS – lĩnh vực được xem là thế mạnh kinh tế thứ hai củatỉnh phát triển.
Ý kiến ()