Liên kết toàn vùng trong phát triển du lịch Tây Nguyên
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Tây Nguyên bao gồm năm tỉnh: Đác Lắc, Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng- an ninh, mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ nối vùng đông bắc Thái Lan, nam Lào và Cam-pu-chia với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.
Tây Nguyên còn là vùng đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn khá đa dạng, phong phú rất thích hợp, thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch mạo hiểm… Trong đó, phải kể đến là những cánh rừng nguyên sinh, với cảnh quan còn mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy như vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin của tỉnh Đác Lắc; Chư Mom Ray của tỉnh Kon Tum; Chư Prông của tỉnh Gia Lai và Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Tà Đùng của tỉnh Đác Nông; Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum và nhiều thác nước đẹp nổi tiếng…
Bên cạnh đó, vùng đất Tây Nguyên hiện nay còn là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau, hết sức đặc sắc, như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không gian văn hóa trải dài từ Bắc Tây Nguyên xuống Nam Tây Nguyên với hàng trăm loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo như: nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, các lễ hội ăn trâu, lễ cúng bến nước, lễ hội đua voi, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên… . Ở Tây Nguyên còn có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia rất hấp dẫn như: Ngục Kon Tum, Ngục Đác Glei, di tích chiến thắng Đác Tô-Tân Cảnh ở Kon Tum; Làng kháng chiến Stor ở tỉnh Gia Lai; Nhà tù Buôn Ma Thuột ở tỉnh Đác Lắc; Di tích lịch sử N’Trang Lơng, Nhà ngục Đác Mil trên địa bàn tỉnh Đác Nông…
Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, thu hút du khách đến với Tây Nguyên ngày càng đông, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của khu vực ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ những bất cập trong quá trình phát triển ngành “công nghiệp không khói” này, nhất là thiếu sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực.
Mạnh ai nấy làm
Tại hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tuyến, điểm du lịch các tỉnh Tây Nguyên do UBND tỉnh Đác Nông tổ chức mới đây, nhiều đại biểu, nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều cho rằng: Du lịch Tây Nguyên chưa phát triển và có sự bứt phá nào, do đầu tư còn dàn trải, thiếu điểm nhấn, vẫn còn tình trạng mạnh tỉnh nào nấy làm, mà chưa có sự liên kết toàn vùng. Chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch ở mức thấp. Chưa kể những năm gần đây, do sức ép dân cư từ các tỉnh miền núi phía bắc dân di cư tự do vào Tây Nguyên quá lớn, không chỉ phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, mà còn dẫn đến mất rừng, khiến nhiều cảnh quan thiên nhiên, môi trường bị tàn phá nặng nề, nhiều dòng sông, thác nước bị khô cạn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn Tây Nguyên cũng thiếu kết nối với nhau để cùng đầu tư xây dựng các tua, tuyến du lịch và xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của vùng, mà còn nặng về đầu tư mang tính cục bộ địa phương. Tuy các tỉnh Tây Nguyên đã ký hợp tác phát triển du lịch với nhau và TP Hồ Chí Minh, nhưng việc liên kết mới chỉ dừng lại ở ý chí của lãnh đạo các địa phương, còn trên thực tế việc phát triển du lịch đang theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Anh Nguyễn Văn Quân, một doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh trong một chuyến du lịch lên Đác Nông tâm sự: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi nhưng ít thấy nơi nào có tài nguyên thiên nhiên và những giá trị văn hóa đa dạng, đặc sắc như Tây Nguyên. Tuy nhiên, do các tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa có sự kết nối, hợp tác hiệu quả với nhau để tạo ra những tua, tuyến du lịch tham quan cả năm tỉnh Tây Nguyên, cũng chưa có sự đầu tư để tạo ra những điểm nhấn, những sản phẩm du lịch mang tính đột phá, mà chủ yếu dựa vào khai thác thiên nhiên. Chính điều này mà du lịch các tỉnh Tây Nguyên chưa phát triển và chưa thu hút được du khách”.
Đơn cử như tỉnh Đác Nông nằm trên Cao nguyên M’Nông có độ cao trung bình từ 600 đến 700m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, ôn hòa và mát mẻ. Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều thác nước, thắng cảnh đẹp, hoang sơ, các bình nguyên xanh rộng lớn cộng với nền văn hóa đa dạng, phong phú của 40 dân tộc anh em tạo nên một sức hút mới về du lịch trên cao nguyên đại ngàn. Thế nhưng, trong giai đoạn 2011-2013, tổng lượt khách chỉ đạt 449 nghìn lượt với tổng doanh thu đạt 61,5 tỷ đồng…
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Đác Nông Bùi Quang Mích thừa nhận: Hiện nay, tỉnh Đác Nông đang thiếu sản phẩm, điểm du lịch có quy mô lớn để thu hút khách du lịch, thực trạng đầu tư còn nhỏ lẻ. Khó khăn nhất hiện nay là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính còn ít nên chậm hình thành sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến việc thu hút du khách đến với tỉnh…
Cấp thiết tăng cường liên kết để phát triển bền vững
Cũng tại hội thảo liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến du lịch Tây Nguyên chưa phát triển là thiếu sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ: “Khách du lịch không thể bỏ một số tiền lớn lên Tây Nguyên chỉ để xem một lễ hội, một thác nước rồi về. Vì vậy, các tỉnh trong khu vực cần phối hợp để có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phục vụ du khách. Vấn đề cấp thiết bây giờ là các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường hợp tác, liên kết để cùng khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, tạo ra nhiều tua, tuyến và sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn mang bản sắc riêng của Tây Nguyên, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách”.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đác Lắc Phạm Tâm Thanh, cho rằng: “Sở dĩ sự liên kết giữa các tỉnh chưa mang lại hiệu quả ngoài gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) còn quá nhỏ, manh mún, trong khi đó nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch là rất lớn. Chính vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là các tỉnh cần phải thành lập ngay một ban điều phối chung về du lịch của các tỉnh Tây Nguyên để có tiếng nói chung cho phát triển du lịch của vùng”.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị: “Các tỉnh trong khu vực cần quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế; phát huy thế mạnh chung về không gian văn hóa cồng chiêng, sử thi, phải coi đây là những sản phẩm chung của cả khu vực Tây Nguyên chứ không nên mạnh ai nấy làm. Các tỉnh cần ngồi lại xây dựng sản phẩm du lịch chung cho Tây Nguyên và đặc thù từng địa phương. Về phía Chính phủ cũng nên có những hỗ trợ thiết thực cho năm tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng cơ chế chính sách riêng; có những ưu đãi đặc biệt về hạ tầng, thiết chế văn hóa, tạo động lực cho phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên”…
Ngoài ra, nhiều ý kiến tâm huyết cũng chỉ ra rằng, để việc liên kết phát triển du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên có hiệu quả thì cần phải có một “nhạc trưởng” chung. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch cần làm đầu mối liên kết; đồng thời hỗ trợ xây dựng khẩu hiệu, biểu trưng riêng cho năm tỉnh Tây Nguyên; hỗ trợ và nghiên cứu phát triển thị trường, xác định được thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân về tầm quan trọng của ngành du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của từng địa phương và cả vùng, trong đó xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính khác biệt dựa trên thế mạnh của thiên nhiên, văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Ngoài việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, các địa phương cần phải tiếp tục cải thiện về cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, hợp tác, đưa Tây Nguyên trở thành vùng du lịch trọng điểm theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()