Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Tạo đầu ra ổn định
– Thời gian qua, với sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp có bước tiến đáng kể. Đặc biệt, việc liên kết tiêu thụ nông sản được hình thành, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2012, cây măng Bát Độ được người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng trồng nhiều nhưng thị trường tiêu thụ còn khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2015, HTX Sản xuất và cung ứng dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng được thành lập và thực hiện liên kết với bà con tổ chức thu mua và sơ chế sản phẩm măng Bát Độ. Đặc biệt, năm 2017, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang thực hiện sơ chế măng thành các loại sản phẩm: măng chua, măng ớt… Từ khi liên kết với HTX, sản phẩm măng Bát Độ của người dân tiêu thụ ổn định, giá bán giao động từ 8.000 – 12.000 đồng/kg, cao hơn so với thị trường hơn 2.000 đồng/kg.
Thành viên HTX Sản xuất và cung ứng Dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng (huyện Hữu Lũng) sơ chế sản phẩm măng Bát Độ
Anh Triệu Văn Quỳnh, Giám đốc HTX cho biết: Hằng năm, chúng tôi liên kết với 76 hộ dân trồng măng. Theo đó, HTX cung ứng giống măng, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc măng theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng của bà con với diện tích gần 30 ha. Trung bình 1 năm, HTX thu mua trên 20 tấn măng Bát Độ. Việc liên kết này không chỉ cung cấp nguyên liệu chế biến cho HTX mà còn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trồng măng trên địa bàn.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Hữu Lũng cho biết: Để hình thành, phát triển liên kết trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2016, trung bình mỗi năm, huyện đều trích 40% kinh phí sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất, thúc đẩy mô hình liên kết 4 nhà. Đến nay, huyện đã hình thành 3 chuỗi sản xuất đối với các sản phẩm măng Bát Độ, khoai tây và lúa Nhật J02…
Không chỉ tại huyện Hữu Lũng, thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020, Sở NN&PTNT và các huyện, thành phố đã chú trọng tuyên truyền đến doanh nghiệp, HTX, người dân thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 20 doanh nghiệp và 58 HTX tham gia liên kết với hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết…
Cùng đó, việc tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp cũng ngày càng phát triển, đặc biệt là sự vào cuộc của một số công ty như: Công ty Cổ phần Chè Thái Bình thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè (huyện Đình Lập); Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C bao tiêu sản phẩm dưa chuột, ngô bao tử, cà chua bi, măng tre Bát Độ (huyện Hữu Lũng); Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn liên kết tiêu thụ khoai tây tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình …
Vụ Đông – Xuân năm 2020 – 2021, Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm khoai tây tại các xã trên địa bàn huyện Cao Lộc, góp phần tạo đầu ra ổn định cho người dân. Ông Vi Văn Hùng, thôn Nà Rầm, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cho biết: Mỗi vụ Đông – Xuân, gia đình tôi trồng khoảng 6 sào khoai tây, trước đây, chưa có sự liên kết với công ty, tôi phải tự tìm nơi tiêu thụ, có những năm không có thương lái đến mua, sản phẩm không bán được đều để hỏng cả. Năm 2020, có sự liên kết với công ty, sản phẩm được thu mua 100%, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Năm 2020, gia đình tôi thu 15 tạ khoai tây với giá bán từ 5.000 – 8.000 đồng/kg tùy từng loại, thu nhập gần 10 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, mở rộng quy mô, tăng giá trị sản xuất. Cụ thể, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt năm 2020 đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so năm 2016, thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác tăng từ 47,35 triệu đồng/ha (năm 2016) lên 60,51 triệu đồng/ha (năm 2020). Đồng thời, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, góp phần hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận.
Để tiếp tục đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở NN & PTNT đã tham mưu và xây dựng dự thảo đề án “Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 là thiết lập 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông lâm nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó phấn đấu có trên 40 doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết; 100% sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết. Tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn đạt 15.000 – 17.000 tỷ đồng năm 2025, tăng khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng so với năm 2020. |
Ý kiến ()