Liên kết sản xuất, nhìn từ một xã ngoại thành Hà Nội
Về xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) những ngày đầu tháng tư, cảm nhận rõ nét không chỉ bởi diện mạo xã nông thôn mới (NTM) đang thay da, đổi thịt từng ngày, mà chính từ nếp nghĩ, cách làm ăn mới đang đến với từng hộ nông dân. Ai ai cũng đặt hy vọng vào hiệu quả từ những mô hình liên kết sản xuất ở xã thuần nông này.14/19 tiêu chí đã hoàn thànhLà xã ven đô mang nhiều đặc trưng của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thụy Hương có 519 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 355 ha, dân số 8.036 người, có tới 70% dân số có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Tháng 9-2009, xã được thành phố phê duyệt đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM. Trao đổi với chúng tôi về quá trình triển khai xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Văn Học cho biết: Ngay sau khi được thành phố cho phép xây dựng thí điểm mô hình NTM, Đảng bộ, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp tuyên...
14/19 tiêu chí đã hoàn thành
Là xã ven đô mang nhiều đặc trưng của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thụy Hương có 519 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 355 ha, dân số 8.036 người, có tới 70% dân số có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Tháng 9-2009, xã được thành phố phê duyệt đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM. Trao đổi với chúng tôi về quá trình triển khai xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Văn Học cho biết: Ngay sau khi được thành phố cho phép xây dựng thí điểm mô hình NTM, Đảng bộ, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, xã viên để người dân hiểu căn cốt những nội dung của việc xây dựng NTM. Từ đó tích cực hưởng ứng, cùng tham gia xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của Chính phủ. Đến nay xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí theo quy định. Còn 5/19 tiêu chí mới đạt khoảng 70%. Đó là cơ cấu lao động; thu nhập bình quân đầu người/năm; tỷ lệ hộ nghèo; chợ nông thôn và vấn đề môi trường. Trong đó, đáng chú ý là thu nhập bình quân năm 2010 mới đạt 13 triệu đồng/người/năm, trong khi tiêu chí đặt ra là 17 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dù đã giảm từ 14,98% (năm 2009) xuống còn 4,4%, nhưng nếu so tiêu chí mới của thành phố cũng chưa đạt.
Vùng đất ven đô thay đổi nhanh chóng. Những con đường bê-tông rộng rãi, thoáng đãng dẫn về khắp các thôn xóm, những ngôi nhà ngói thấp ngói cao, ruộng ruộng đồng đồng xanh ngút tầm mắt. Trước mắt chúng tôi là nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, được trang bị đầy đủ tăng âm, loa đài, tủ sách, sân thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân. Là nơi để người dân trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm từ trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần như bình thơ, ca hát, nói về hương ước của làng, cùng nhau nhắc nhở con cháu sống khỏe, sống lành mạnh, có ích.
Về những khó khăn khi thời hạn thí điểm xây dựng xong mô hình NTM sẽ kết thúc vào năm 2011, Phó Chủ tịch xã Tào Đức Hà cho rằng: Nhìn tổng thể, tiến độ triển khai thực hiện so yêu cầu của đề án NTM còn chậm, do thiếu nguồn vốn xây dựng (cả nguồn kinh phí từ T.Ư và nguồn vốn huy động từ dân). Tính đến nay, tổng kinh phí đầu tư các hạng mục công trình ước thực hiện là gần 102 tỷ đồng, trong đó kinh phí được cấp cho thực hiện đề án là gần 56 tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia, Thụy Hương đặt mục tiêu cần phải đẩy nhanh tiến độ công trình đang thi công và các hạng mục đề án hoàn thành trong quý II-2011, tạo nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển thông qua các mô hình liên kết cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường đào tạo nghề mới cho người dân trong độ tuổi lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường khu dân cư, nơi công cộng. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và địa điểm mặt bằng tập trung cho hộ sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, làng nghề sản xuất kinh doanh và bảo đảm môi trường…
Liên kết để phát triển toàn diện
Đi lên từ một xã thuần nông, làm thế nào để tăng thu nhập cho người dân? Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng NTM, luôn là trăn trở của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Thụy Hương. Được sự chỉ đạo sát sao của T.Ư, thành phố và huyện, xã Thụy Hương đã chọn mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Liên kết thể hiện từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân. Từ những dự án sản xuất nông nghiệp được phê duyệt tiến tới thành lập các hợp tác xã nông nghiệp đều dựa trên cơ sở tự nguyện của dân. Hợp tác xã (HTX) là đầu mối giúp xã viên từ xây dựng hạ tầng, mua giống, vật tư sản xuất đến tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mới và cả liên kết doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ sản phẩm. Theo Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nguyễn Duy Miên, cách làm ở Thụy Hương là các HTX đứng ra thuê lại đất nông nghiệp của bà con (với sản lượng 2 tạ thóc/sào/năm) và khuyến khích dồn điền, đổi thửa để tạo thành các khu sản xuất tập trung. Đến nay, cùng với việc củng cố HTX nông nghiệp, xã thành lập thêm hai hợp tác xã: HTX kinh doanh hoa – cây cảnh và HTX trồng cây ăn quả. Đây chính là tiền đề để xã thực hiện thành công các dự án nông nghiệp hàng hóa: 100 ha lúa chất lượng cao, 10,8 ha hoa – cây cảnh, 79,5 ha rau an toàn đã được quy hoạch. Có mặt trong khu nhà kính (khoảng 7.000 m2) có hệ thống quạt thông gió, phun tưới nước tự động, chúng tôi hòa chung niềm vui khi nghe anh kỹ sư trẻ của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương hướng dẫn bà con chăm sóc hoa Lan Hồ điệp, một loại hoa có giá trị kinh tế cao mà HTX mạnh dạn đưa vào trồng. Chủ nhiệm HTX trồng hoa cây cảnh Nguyễn Hữu Thắng thông báo: 'HTX có 31 xã viên. Trong dịp Tết vừa qua, HTX có một vụ thu hoạch khá, với 15 nghìn cây lan và 40 nghìn cây hoa ly cho thu gần hai tỷ đồng, mỗi xã viên được chia lãi 40% tương ứng vốn đóng góp'.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng thành phố và sự đóng góp của xã viên, từ vụ mùa năm 2010, xã Thụy Hương xây dựng được 90 ha và vụ chiêm xuân 2011 là 100 ha lúa chất lượng cao. Trong đó có 80 ha được áp dụng phương pháp gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay và sử dụng máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn khi thu hoạch. Bằng lợi ích của việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào trồng lúa, HTX đã giảm được chi phí sản xuất, nhất là công lao động để người dân có thể chuyển sang làm việc khác. Thí dụ như trung bình một giàn sạ hai người phụ nhau kéo được hai ha/ngày. Như vậy mỗi người kéo một ngày bằng 40 người cấy và nhổ mạ; lượng giống gieo cũng giảm 1/2 so lúa cấy; rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 5 đến 7 ngày, song lúa lại phát triển tốt hơn hẳn lúa cấy. Vụ mùa năm 2010, năng suất lúa của HTX đã đạt 1,9 đến 2 tạ/sào… Hay trong dự án rau an toàn, Công ty Tô-kin (liên doanh Nhật Bản) đã liên kết với HTX cung ứng cho xã viên giống cây, phân bón, tổ chức sản xuất, thu gom và bao tiêu sản phẩm. Tuy mới triển khai được gần 10 ha, song trong tương lai không xa, sau khi hoàn thành xong khu sơ chế, bảo quản sản phẩm, xã sẽ mở rộng hơn vùng rau an toàn Thụy Hương. Chúng tôi gặp anh Mạc Đình Cẩm (thôn Chúc Đồng 2) bên những luống cải xanh, không giấu nổi niềm vui, anh tâm sự: 'Có mô hình điểm NTM, bà con được học nhiều cách làm mới như trồng lúa, trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh, biết sử dụng máy nông nghiệp thành thạo. Vì thế thu nhập cũng cao hơn trước, trong ba tháng gia đình anh thu hơn 3,2 triệu đồng/sào, trong khi trồng lúa, ngô chỉ được dưới 1,5 triệu đồng/sào trong bốn tháng'…
Hiệu quả từ những mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở xã Thụy Hương đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, từ sản xuất đơn lẻ sang làm ăn tập thể, từ tập quán sản xuất truyền thống, hiệu quả thấp sang các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Liên kết để phát triển nông nghiệp toàn diện. Đó là một kinh nghiệm tốt đối với các xã ngoại thành trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()