LSO- Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 230 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đối với phân bón, riêng công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp (VTNN) có 120 đại lý, chiếm 95% thị phần. Ngoài ra, hầu hết các trạm thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông tại các địa phương cũng đều có điểm cung ứng, cùng với đó là hàng trăm cửa hàng tư nhân kinh doanh tổng hợp các loại VTNN mà cơ quan chức năng chưa thống kê được đầy đủ. Điểm qua một vài con số như vậy để thấy được mạng lưới cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn đã và đang có sự phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng, đại lý kinh doanh đều chỉ dừng lại ở mức độ cung ứng mà chưa có sự liên kết với người dân để phát triển sản xuất. Nếu có sự phối hợp giữa mạng lưới cán bộ chuyên môn với các điểm kinh doanh VTNN, thì cung ứng sẽ đi kèm với tư vấn, khuyến cáo, hướng dẫn sản xuất tạo ra dịch vụ nông nghiệp...
LSO- Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 230 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đối với phân bón, riêng công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp (VTNN) có 120 đại lý, chiếm 95% thị phần. Ngoài ra, hầu hết các trạm thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông tại các địa phương cũng đều có điểm cung ứng, cùng với đó là hàng trăm cửa hàng tư nhân kinh doanh tổng hợp các loại VTNN mà cơ quan chức năng chưa thống kê được đầy đủ.
Điểm qua một vài con số như vậy để thấy được mạng lưới cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn đã và đang có sự phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng, đại lý kinh doanh đều chỉ dừng lại ở mức độ cung ứng mà chưa có sự liên kết với người dân để phát triển sản xuất. Nếu có sự phối hợp giữa mạng lưới cán bộ chuyên môn với các điểm kinh doanh VTNN, thì cung ứng sẽ đi kèm với tư vấn, khuyến cáo, hướng dẫn sản xuất tạo ra dịch vụ nông nghiệp toàn diện đến tận tay người nông dân. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông phát triển sản xuất và các cơ sở kinh doanh cũng tăng được lợi nhuận.
Cung ứng phân bón cho sản xuất từ tổng Kho Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp
Cửa hàng thức ăn chăn nuôi, lương thực và phân bón của gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở 180 đường Ngô Quyền, thành phố Lạng Sơn đã hoạt động được gần 10 năm nay. Với phương châm lấy hàng chất lượng, giữ chữ tín của cửa hàng, gia đình chị luôn liên hệ với các cơ sở uy tín để có nguồn hàng đảm bảo, đồng thời quá trình nhập hàng được thực hiện thẳng từ nơi sản xuất về kho của cửa hàng, tránh được khâu trung gian, do đó giảm được giá thành. Chính vì vậy mà trong suốt những năm qua, cửa hàng luôn là địa chỉ tin cậy của người nông dân. Để giữ khách hàng và cũng là tạo điều kiện cho người nông dân có vật tư cho sản xuất, cửa hàng thường xuyên cho khách hàng mua trả chậm. Chị Tình cho biết: do hoàn cảnh, phần lớn khách hàng không thể thanh toán ngay, nên gia đình thường ứng trước vật tư cho các khách hàng thường xuyên, sau khi thu hoạch sản phẩm, người nông dân sẽ thanh toán 1 lần với cửa hàng.
Tuy nhiên cũng đã xảy ra rất nhiều trường hợp rủi ro, chẳng hạn như mùa màng thất bát, chăn nuôi gặp dịch bệnh nên sổ ghi nợ của chị Tình cứ ngày một dày thêm, trong đó có cả những trường hợp nợ xấu khó có khả năng thanh toán. Theo ước tính của chủ cửa hàng, thì trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, tổng số vật tư mà cửa hàng ứng trước cho người dân chưa thu hồi được vốn đã là 200 triệu đồng, một con số lớn đối với hộ kinh doanh tư nhân. Chị Tình bộc bạch: khó khăn thì cửa hàng cố xoay sở, chứ thực tình tôi biết quá rõ hoàn cảnh của từng khách hàng, có đòi, họ cũng chưa có để thanh toán ngay. Vì vậy, phải tiếp tục ứng trước, chỉ mong họ khôi phục và phát triển sản xuất để có thể thanh toán, cửa hàng có vốn tiếp tục hoạt động và mở rộng dịch vụ phục vụ nông dân.
Không chỉ riêng cửa hàng của chị Tình, mà cửa hàng chuyên kinh doanh thức ăn chăn nuôi của bà Thi Thị Na ở Bản Ngà, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cũng trong tình trạng tương tự. Theo thống kê của bà Na, mỗi năm cửa hàng cho nông dân nợ vật tư xấp xỉ 200 triệu đồng, cuối vụ thu cao nhất được khoảng 80%, số còn lại rơi vào nợ xấu. Đặc biệt trong năm 2010, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi bị thất bát, tỷ lệ nợ xấu lại cao hơn rất nhiều. Bà Na tâm sự: nợ xấu gây rất nhiều khó khăn cho công việc kinh doanh của cửa hàng, bởi thế những người kinh doanh VTNN như chúng tôi đều mong người nông dân sản xuất đạt được hiệu quả cao nhất.
Suy nghĩ là vậy, nhưng giữa hộ kinh doanh và nhà nông đơn thuần vẫn chỉ là quan hệ mua và bán chứ chưa có mối liên kết nào khác. Trong chuyến làm việc tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương khẳng định: nếu các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp liên kết, giúp đỡ người nông dân trong phát triển sản xuất thì sẽ mang lại lợi ích kép, người nông dân phát triển sản xuất và doanh nghiệp mở rộng được hoạt động kinh doanh. Đồng chí nêu ra ví dụ về cách làm này ở một số tỉnh miền xuôi: Các doanh nghiệp kinh doanh VTNN hợp đồng hoặc liên hệ mật thiết với đội ngũ cán bộ chuyên môn như thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật. Khi cần thiết, có sự phản ánh của khách hàng, họ liên hệ với đội ngũ này tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật tại chỗ cho nhà nông, chung sức giúp nhà nông phát triển. Cũng nhờ đó mà nhu cầu của nhà nông tăng lên và doanh nghiệp cung ứng mở rộng được hoạt động. Vẫn câu chuyện ấy, có Công ty VTNN ở Miền Nam đã liên kết với các cơ quan chuyên môn vận động nông dân thực hiện các cánh đồng giá trị cao sử dụng các vật tư do Công ty cung ứng, một mặt giúp nông dân phát triển kinh tế, mặt khác quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho chính công ty.
Có thể nói, đây là vấn đề đặt ra khá mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: đây là gợi ý rất tốt, có thể coi là hướng mở cho phát triển sản xuất và dịch vụ nông nghiệp. Cách đây hơn 1 năm, trong một cuộc trao đổi với tôi, ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông cũng rất tâm đắc về vấn đề này. Ông Bình cho biết: mong muốn lớn nhất là làm sao để người nông dân ra ngõ gặp dịch vụ. Trung tâm cũng đang khuyến khích các nhân viên khuyến nông tích cực thực hiện cung ứng vật tư kết hợp với tư vấn kỹ thuật cho người dân, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu, nên hiệu quả cũng chưa cao. Dịch vụ nông nghiệp không chỉ là hoạt động cung ứng vật tư cho người nông dân mà còn là tư vấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và rõ ràng khi nhà nông phát triển sản xuất một cách bền vững thì chính những đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp cũng mở rộng được thị trường và phát triển bền vững hơn.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()