Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao: Hướng mới trong nông nghiệp sạch
(LSO) – Từ năm 2015 đến nay, Công ty Cổ phần (CP) giống cây trồng Lạng Sơn đã liên kết sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao J02 (thuộc dòng Japonica, nguồn gốc Nhật Bản) theo hướng hàng hóa tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Hướng đi này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, lâu bền cho người nông dân và doanh nghiệp.
Người dân xã Vân An, huyện Chi Lăng kiểm tra sinh trưởng của giống lúa chất lượng cao J02
Bà Nông Thị Bích Nguyệt, thôn Phiêng Luông, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Vụ xuân năm 2018, gia đình tôi trồng 5 sào lúa chất lượng cao J02. Bình quân mỗi sào thu 2,7 tạ thóc, thu nhập gần 2 triệu đồng/sào. Thóc được thu mua ngay khi vừa gặt xong. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào có thu nhập cao hơn các giống lúa khác như: Khang Dân, bao thai, DV 108… từ 300 – 600 nghìn đồng/sào. Sang năm, gia đình tôi tiếp tục đăng ký trồng giống lúa mới theo hướng liên kết với công ty để được bao tiêu sản phẩm.
Tìm hiểu được biết, từ năm 2015, Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn đã phối hợp với UBND xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình đưa giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, xã duy trì liên kết trồng lúa trên diện tích từ 10 – 15 ha với phương thức công ty cung ứng giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Ông Nông Văn Huy, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Khoái cho biết: Xã Yên Khoái có nhiều thửa ruộng gần nhau, thuận tiện nguồn nước, rất thích hợp để quy hoạch trồng lúa theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là tại một số thôn như: Bản Khoai, Long Đầu, Nà Tàu… Thời gian đầu triển khai, bà con còn e dè, ngại ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, ngay sau vụ đầu tiên, nhận thấy nhiều ưu điểm của liên kết, giờ đây, bà con hoàn toàn yên tâm và sẵn sàng liên kết với công ty để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa vào vụ xuân hằng năm.
Được biết, chỉ tính riêng năm 2018, ngoài huyện Lộc Bình, Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn đã và đang liên kết sản xuất giống lúa chất lượng cao này với các huyện Tràng Định (vụ xuân) và Văn Lãng, Chi Lăng (vụ mùa) trên diện tích gần 50 ha. Theo đó, từ khâu gieo cấy đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, bà con đều thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Vì vậy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bình quân đạt từ 2,5 – 3 tạ thóc/sào; gạo mềm, dẻo, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, công ty trực tiếp thu mua tại ruộng với giá bình quân 7 nghìn đồng/kg thóc trong khi các giống lúa khác chỉ có giá từ 4 – 5 nghìn đồng/kg.
Cùng với đó, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, vụ xuân năm 2018, Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn lần đầu tiên sử dụng phương pháp làm mạ khay tập trung và cấy bằng máy trên diện tích 5 ha tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Theo đó, trung bình một ngày, máy cấy được 2,5 mẫu ruộng, tương đương sức lao động của 22 nhân công. Với sự thử nghiệm thành công này sẽ tạo tiền đề để công ty mở rộng diện tích cơ giới hóa tại các vùng sản xuất phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả lao động theo hướng an toàn, năng suất, tiết kiệm được thời gian, giảm công sức lao động cho người nông dân… trong các vụ tiếp theo.
Ông Ngô Trọng Thỉnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn cho biết: Giống lúa chất lượng cao (Nhật Bản) có nguồn gốc từ xứ lạnh nên nhìn chung trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất đại trà. Tuy nhiên, để chất lượng gạo thơm, ngon thì lúa nên được trồng nhiều ở các huyện: Lộc Bình, Tràng Định, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng… Thời gian tới, công ty dự định tìm kiếm vùng sản xuất riêng cho từng vụ (vụ xuân và vụ mùa) nhằm đảm bảo tốt nhất yêu cầu về chất lượng, số lượng sản phẩm để công ty cung cấp ra thị trường; mang đến cho khách hàng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()