Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đã xuất hiện một số trường hợp người dân chưa tuân theo nguyên tắc đã ký kết và một số doanh nghiệp không đầu tư nhưng vẫn đến thu mua. Điều này đã khiến cho mối liên kết sản xuất thiếu bền chặt. Theo lãnh đạo UBND huyện, hiện nay Tràng Định đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và có biện pháp đối với các tổ chức, cá nhân không đầu tư vào sản xuất nhưng tiến hành cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp đầu tư liên kết. Mặt khác, công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi liên kết vẫn đang được huyện tích cực triển khai. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã đăng ký liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây trên địa bàn huyện Tràng Định với diện tích khoảng 280 ha. Đây chưa phải con số cuối cùng, bởi một thời gian nữa vụ khoai tây mới bắt đầu và vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp có ý định liên kết.
LSO-Trong vài năm trở lại đây, diện tích khoai tây vụ đông trên địa bàn huyện Tràng Định tăng lên nhanh chóng. Cùng với sự tăng lên về diện tích là quá trình chuyển dịch cơ cấu giống, đồng thời các mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bắt đầu hình thành, đây là yếu tố quan trọng để Tràng Định hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Nông dân xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định phân loại
khoai tây giao cho các doanh nghiệp thu mua
Những ngày này, cán bộ UBND xã Đại Đồng tất bật với công tác triển khai sản xuất đông xuân. Năm trước, diện tích khoai tây đông của xã đã lên đến 170 ha, tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Trong đó tỷ lệ sử dụng giống mới đã lên đến 90%. Đây là bước đột phá của Đại Đồng trong chuyển dịch đồng bộ giữa cơ cấu giống và cơ cấu cây trồng. Không những vậy, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, địa phương đã liên kết sản xuất với một số doanh nghiệp theo hình thức doanh nghiệp ứng giống, nông dân trả sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm thông qua doanh nghiệp. Tuy diện tích liên kết sản xuất chỉ mới dừng lại ở con số trên 60 ha, tức là chưa bằng ½ tổng diện tích khoai tây đông của toàn xã, nhưng đây cũng là bước ngoặt, mở đầu cho việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn liền với tiêu thụ sản phẩm thông qua doanh nghiệp. Ông Hoàng Tấn Phi, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: ngay từ cuối vụ mùa, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, mời gọi đầu tư, liên kết sản xuất với nông dân trên địa bàn và cho đến thời điểm này đã có một số doanh nghiệp đến liên hệ, hiện nay xã đang khẩn trương triển khai các chương trình liên kết đến từng thôn để người dân đăng ký tham gia.
Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về việc xây dựng cánh đồng thu nhập cao trên địa bàn, UBND huyện đang chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ đông với loại cây trồng chủ lực là khoai tây trên các xã vùng cánh đồng như Đại Đồng, Hùng Sơn, Đề Thám…với diện tích theo quy hoạch từ 400- 500 ha. Thực chất những năm đầu triển khai thực hiện, tuy diện tích có tăng lên, nhưng lúc này hiệu quả kinh tế chưa thực sự nổi bật bởi chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân và hầu hết các diện tích vẫn còn sử dụng giống cũ. Vụ đông xuân 2009-2010, diện tích khoai tây của toàn huyện vẫn chỉ ở mức 190 ha, với sản lượng hơn 2,2 nghìn tấn/năm. Xác định rõ những mặt hạn chế kìm hãm sản xuất, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo các phòng chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để tạo ra các mối liên kết sản xuất, từ đó chuyển dịch dần cơ cấu giống. Để mối liên kết được bền chặt, các đoàn thể có nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo đúng những quy định khi liên kết với doanh nghiệp, đồng thời cơ quan chuyên môn tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng đảm bảo tiết kiệm và có hiệu quả. Theo hướng đi này, vụ đông xuân 2010-2011, diện tích khoai tây của toàn huyện đã tăng lên 235 ha và chỉ sau đó 1 năm, diện tích đã tăng lên đến 475 ha, trong đó xấp xỉ 70% diện tích đã chuyển đổi sang trồng giống khoai tây của Hà Lan, Đức…
Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đã xuất hiện một số trường hợp người dân chưa tuân theo nguyên tắc đã ký kết và một số doanh nghiệp không đầu tư nhưng vẫn đến thu mua. Điều này đã khiến cho mối liên kết sản xuất thiếu bền chặt. Theo lãnh đạo UBND huyện, hiện nay Tràng Định đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và có biện pháp đối với các tổ chức, cá nhân không đầu tư vào sản xuất nhưng tiến hành cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp đầu tư liên kết. Mặt khác, công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi liên kết vẫn đang được huyện tích cực triển khai. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã đăng ký liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây trên địa bàn huyện Tràng Định với diện tích khoảng 280 ha. Đây chưa phải con số cuối cùng, bởi một thời gian nữa vụ khoai tây mới bắt đầu và vẫn còn khá nhiều các doanh nghiệp có ý định liên kết.
Sự năng động, chủ động của các cấp, ngành địa phương đang tạo điều kiện cho Tràng Định tiến dần hơn đến mục tiêu hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ ổn định như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()