Liên kết doanh nghiệp- nông dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với thị trường tiêu thụ. Nhưng cùng với khả năng và quyết tâm đầu tư của doanh nghiệp, thì chính những người nông dân cũng cần phải thay đổi tư duy, đổi mới phương thức canh tác, thì mới có thể hợp tác sản xuất lớn. Vừa qua, chương trình trồng cà chua bi xuất khẩu tiếp tục được doanh nghiệp triển khai thí điểm tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Theo kế hoạch, trong năm 2012, chương trình được mở rộng tới cả Hữu Lũng với tổng diện tích khoảng 70ha. Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu tiếp tục quyết tâm với lộ trình mở rộng diện tích đến trên 500ha cà chua bi trên địa bàn 8 huyện của Lạng Sơn vào năm 2015. Giai đoạn đầu xuất khẩu thô, khi diện tích tăng lên trên 100ha, có đủ sản phẩm sẽ đầu tư nhà máy chế biến và bảo quản…Lộ trình đó là một trong những cơ hội lớn cho nông dân Xứ Lạng trong việc phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng nhất là nhà nông cần thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn để tạo ra mối liên kết bền vững và hiệu quả.
LSO-Để hình thành những vùng chuyên canh nông nghiệp năng động, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhà nông, thì việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân có vai trò quan trọng. Để mối liên kết này được bền chặt, ngoài khả năng và quyết tâm đầu tư của doanh nghiệp thì nhà nông cũng cần phải có tư duy sản xuất hàng hóa lớn. Câu chuyện sau đây chỉ là một ví dụ.
Nông dân xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan chăm sóc cà chua bi
Vụ đông vừa qua, Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu, thành phố Lạng Sơn đã đầu tư liên kết với nông dân triển khai thí điểm mô hình trồng cà chua bi xuất khẩu tại Văn Quan và Tràng Định với quy mô khoảng 10ha. Hình thức liên kết là doanh nghiệp cung ứng toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo mức giá hợp đồng từ đầu vụ. Xã Tú Xuyên là một trong 2 xã của huyện Văn Quan được chọn triển khai, công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ tháng 6/2011. Bà Hoàng Thị In, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: sau khi doanh nghiệp liên hệ, Hội nông dân đã triển khai chương trình tới các hội viên, vì là chương trình mới, nên ban đầu còn nhiều gia đình chưa mặn mà với chương trình, nhưng sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư và được doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá 4.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn tham gia. Qua 2 đợt đăng ký, toàn xã đã có 39 hộ gia đình tham gia trồng cà chua xuất khẩu với diện tích 2,5ha. Con đường hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa dần mở ra ở Tú Xuyên.
Ông Hoàng Trung Hiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thương mại Á Châu cho biết: theo tính toán, nếu người nông dân chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, thì năng suất cà chua sẽ đạt khoảng 80 tấn/ha và với mức giá thu mua mà doanh nghiệp đưa ra, thì nhà nông sẽ có lãi khoảng 6 triệu đồng/sào/vụ. Doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, thu được lợi nhuận, còn nông dân có thu nhập cao trên đồng đất, đây là một bài toán rất thuận. Đặc biệt là giai đoạn đầu chăm sóc, cà chua phát triển rất tốt ở cả Tràng Định và Văn Quan, điều này như dự báo trước “điềm lành” của mô hình thí điểm. Nhưng trên thực tế, hiệu quả chưa được như mong đợi. Theo con số mà Công ty đưa ra, thì sau khi thu hoạch 10ha, sản lượng chỉ đạt khoảng 200 tấn, tức là chỉ đạt được 25% so với dự kiến ban đầu. Với con số này, nhà nông vẫn có thu nhập, nhưng doanh nghiệp thì lỗ. Ông Hiến phân tích: qua mô hình triển khai thí điểm, chúng tôi nhận thấy cần có sự điều chỉnh một chút về thời vụ gieo trồng cho phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương. Bởi là mô hình thí điểm, nên điều tối thượng đối với doanh nghiệp chưa phải là lợi nhuận mà là kinh nghiệm để điều chỉnh tốt hơn cho vụ sau, đây cũng là điều bình thường. Nhưng hạn chế lớn nhất không phải là thời vụ mà chính là khâu chăm sóc. Qua kiểm tra thực tế, theo đánh giá của doanh nghiệp, một bộ phận người dân tham gia thực hiện mô hình đã không chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp đã chuyển giao. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới năng suất giảm mạnh.
Cà chua giống mới cho năng suất cao được người dân huyện Cao Lộc đưa vào gieo trồng
Liên kết doanh nghiệp- nông dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với thị trường tiêu thụ. Nhưng cùng với khả năng và quyết tâm đầu tư của doanh nghiệp, thì chính những người nông dân cũng cần phải thay đổi tư duy, đổi mới phương thức canh tác, thì mới có thể hợp tác sản xuất lớn. Vừa qua, chương trình trồng cà chua bi xuất khẩu tiếp tục được doanh nghiệp triển khai thí điểm tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Theo kế hoạch, trong năm 2012, chương trình được mở rộng tới cả Hữu Lũng với tổng diện tích khoảng 70ha. Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu tiếp tục quyết tâm với lộ trình mở rộng diện tích đến trên 500ha cà chua bi trên địa bàn 8 huyện của Lạng Sơn vào năm 2015. Giai đoạn đầu xuất khẩu thô, khi diện tích tăng lên trên 100ha, có đủ sản phẩm sẽ đầu tư nhà máy chế biến và bảo quản…Lộ trình đó là một trong những cơ hội lớn cho nông dân Xứ Lạng trong việc phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng nhất là nhà nông cần thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn để tạo ra mối liên kết bền vững và hiệu quả.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()