LSO-6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang là miền đất có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những danh thắng nổi tiếng. Có thể kể ra đây, Hà Giang vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, được biết đến với cột cờ thiêng liêng trên đỉnh Lũng Cú, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và trường tồn của quốc gia, dân tộc; cao nguyên đá Đồng Văn- Công viên địa chất toàn cầu, di sản thiên nhiên nhiên thế giới. Tuyên Quang với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám, mái đình Hồng Thái – nơi quốc dân đại hội đã họp biểu thị quyết tâm chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thái Nguyên với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá, có Hồ Núi Cốc cảnh đẹp như gấm hoa. Bắc Kạn có Khu di tích lịch sử Nà Tu – nơi Bác Hồ đến thăm và tặng lực lượng thanh niên xung phong 4 câu thơ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” và vườn quốc gia, hồ Ba Bể. Đến với Lạng Sơn, du khách đến với nàng Tô Thị bồng con chờ chồng tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam son sắt, thuỷ chung, với hàng chục danh thắng như động Tam Thanh, Nhị Thanh, hang Gió, động Tiên cùng những di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm của dân tộc như Ải Chi Lăng, căn cứ cách mạng Bắc Sơn. Đến Cao Bằng có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo – nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- tiền thân của QĐND Việt Nam, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch biên giới năm 1950- nơi Bác Hồ “Chống gậy lên non xem trận địa”, có thác Bản Giốc… và hàng trăm lễ hội, nét văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc.
Đường lên khu du lịch Mẫu Sơn – Ảnh: Đình Quang
Nhận thức được vai trò, vị trí của du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội, ngày 17/8/2009, tại tỉnh Hà Giang, lãnh đạo 4 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng ký kết thoả thuận khung hợp tác phát triển du lịch. Đến năm 2011, kết nạp thêm 2 tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên. Mục đích và phạm vi hợp tác là cùng nhau phát triển du lịch vùng nhằm giảm thiểu khó khăn và khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương; các tỉnh cam kết cùng hợp tác phát triển du lịch để có nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch trong khu vực để tham gia vào sự phát triển du lịch nói chung. Nội dung hợp tác bao gồm 6 lĩnh vực: Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, lữ hành; tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nhân lực du lịch; xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông; xây dựng cơ chế quản lý, phát triển du lịch và tổ chức chương trình cụ thể gắn với chuỗi sự kiện các tỉnh; liên kết tổ chức các sự kiện du lịch trong vùng nhằm tạo thành chuỗi sự kiện du lịch để các doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch mới đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Chương trình liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc được mở đầu ở tỉnh Hà Giang năm 2009, năm 2010 tại Tuyên Quang, năm 2011 tại Bắc Kạn và năm 2012 tại Cao Bằng.
Khách du lịch tham quan Chùa Tam Thanh, TP Lạng Sơn – Ảnh: Tư liệu
Theo bà Nhan Thị Minh Thi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng thì Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” tổ chức tại Cao Bằng năm nay được gắn với Lễ công bố Quyết định Khu di tích lịch Pác Bó được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, công bố Nghị quyết của Chính phủ thành lập thành phố Cao Bằng và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất cho Đảng bộ và nhân thị xã Cao Bằng. Chương trình nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng, mặt khác, thúc đẩy việc tuyên truyền, quảng bá về miền đất, con người, lịch sử, văn hoá, tiềm năng, sản phẩm du lịch của Cao Bằng nói riêng và 6 tỉnh vùng Việt Bắc nói chung; giới thiệu cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia liên kết, hợp tác đầu tư, thu hút khách, phát triển 6 tỉnh vùng Việt Bắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội, phát triển chung của du lịch Việt Nam. Cũng theo bà Thi, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” sẽ diễn ra từ 03-8/10/2012 tại thị xã Cao Bằng, trong đó, lễ khai mạc diễn ra tối mồng 6/10/2012 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, sau đó sẽ có các hoạt động của tuần văn hoá và du lịch gồm các hoạt động: Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc-Cao Bằng xưa và nay; biểu diễn giao lưu nghệ thuật chuyên nghiệp; các hoạt động thể thao; tổ chức Hội chợ Thương mại- Du lịch quốc tế; Hội chợ việc làm tỉnh Cao Bằng. Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” tổ chức tại Cao Bằng năm nay được kỳ vọng sẽ làm cho Cao Bằng nói riêng,Việt Bắc nói chung trở thành địa chỉ tin cậy, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.
Ý kiến ()