Những công trình đột phá
Hơn 40 năm sau ngày miền nam được giải phóng, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh được đầu tư, phát triển khá toàn diện về hạ tầng giao thông, từ khôi phục và khai thác tốt mạng lưới giao thông, đến xây dựng nhiều tuyến giao thông huyết mạch, làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị. Các con đường mang dấu ấn của một thành phố văn minh, hiện đại như: Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây, đại lộ Phạm Văn Đồng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, xa lộ Hà Nội và mới đây là đường vành đai 2,… đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh phát triển. Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, xương sống của khu đô thị phía nam thành phố, kết nối những công trình trọng điểm, như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước và xa hơn là các tỉnh miền đông và miền tây Nam Bộ. Cầu dây văng Phú Mỹ thuộc đường vành đai ngoài của TP Hồ Chí Minh, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng của thành phố, kết nối quận 7 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng Cát Lái, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây,… Đại lộ Võ Văn Kiệt dài 13,4 km, từ cầu Lò Gốm (quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh), đến cửa đường hầm sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông-Nam Á (quận 1) nối vào đại lộ Mai Chí Thọ, ra xa lộ Hà Nội hoặc vào cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ… Cửa ngõ phía đông bắc có cầu Sài Gòn với xa lộ Hà Nội mở rộng, góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và giải tỏa áp lực cho cầu Sài Gòn cũ, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển. Riêng hai con đường Trường Sa – Hoàng Sa bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau gần 20 năm cải tạo, đến nay không những xóa sạch nhà ổ chuột, mà còn tạo cảnh quan môi trường và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; khai thông trục bắc – nam, giảm bớt ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng,…
Để có được những công trình giao thông bề thế, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã mạnh tay đổi đất lấy cầu đường, hoặc bằng hình thức “bán đường” cho doanh nghiệp thu phí. Khi quỹ đất của thành phố cạn kiệt, các con đường huyết mạch đã giao cho doanh nghiệp, cộng với thị trường bất động sản không còn nóng, thì nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông đô thị cũng giảm. Thiếu những con đường kết nối, tốc độ đô thị hóa tại các quận 9, 12, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Nhà Bè cũng chậm lại vì thiếu sức hấp dẫn nhà đầu tư. Theo đánh giá của TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đô thị, dù hệ thống đường bộ của TP Hồ Chí Minh đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân và kìm hãm sức phát triển về nhiều mặt.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường thẳng thắn thừa nhận hệ thống đường bộ của thành phố còn đơn giản và lạc hậu, chưa đáp ứng tốc độ đô thị hóa của thành phố. Theo quy hoạch, thành phố sẽ phát triển thêm bốn khu đô thị Đông, Tây, Nam, Bắc, nhưng hiện chỉ khu Nam và khu Đông tương đối phát triển; hai khu còn lại gần như giậm chân tại chỗ. Lý do rất đơn giản, hệ thống giao thông kết nối giữa trung tâm với các khu đô thị này vừa thiếu, vừa yếu. Mạng lưới đường bộ của thành phố bao gồm các trục quốc lộ do T.Ư quản lý và các đường tỉnh, đường liên tỉnh, đường nội đô do thành phố quản lý có tổng chiều dài hơn 3.000 km, diện tích chiếm đất gần 2.400 ha (khoảng 8% diện tích đất đô thị), một tỷ lệ quá thấp so với tiêu chuẩn (đất dành cho giao thông phải đạt 24% đến 26%). Trong tổng số hơn 4.800 tuyến đường, chỉ có 480 tuyến đường có mặt đường rộng 7,5 m trở lên, tập trung tại các quận trung tâm và đường liên quận, còn lại hầu hết là đường nhỏ. Đây là nguyên nhân dẫn đến các khu đô thị của thành phố phát triển cầm chừng, thậm chí có nguy cơ chết yểu, như Khu đô thị Tây Bắc ở huyện Củ Chi và Khu đô thị Tây Nam ở huyện Bình Chánh.
Hệ thống kết nối đường bộ giữa TP Hồ Chí Minh với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam có quốc lộ 1 nối các tỉnh phía bắc và đồng bằng sông Cửu Long; quốc lộ 22 đi Tây Ninh, Cam-pu-chia; quốc lộ 13 đi Bình Dương, Bình Phước, nối quốc lộ 14 đi Tây Nguyên,… Đây là một lợi thế mà ít địa phương nào có được. Thế nhưng, 40 năm qua, các lợi thế chiến lược này dường như vẫn “ngủ yên”, hệ thống giao thông chắp vá, thiếu hẳn tính kết nối đồng bộ, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế – xã hội cả vùng.
Mở rộng kết nối, liên kết vùng
Từ khi đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, dài gần 92 km đi Long An, Tiền Giang, thời gian đi lại giữa thành phố và các tỉnh miền tây đã rút ngắn đáng kể, tăng năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa trong vùng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, đường dẫn vào đường cao tốc bị quá tải. Cuối năm 2015, Bộ GTVT phối hợp UBND thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng 2,7 km đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt vào nút giao thông Tân Tạo – Chợ Đệm, hoàn chỉnh đồng bộ trục giao thông hiện đại, xuyên tâm thành phố ra phía tây được thông suốt. Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km, sau hơn một năm thông xe, dù rút ngắn được 20 km và hai giờ xe chạy, nhưng do thiếu đồng bộ, nên xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ ở các nút giao và đường dẫn. Một tuyến đường cao tốc kết nối vùng đang triển khai là Bến Lức – Long Thành, do khó khăn về mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, vì vậy thi công rất chậm, khó hoàn thành theo kế hoạch. Quốc lộ 22 qua địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh (nối với Cam-pu-chia) vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT. Tuyến này nhiều năm nay rơi vào tình trạng quá tải, kìm hãm năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền đông, miền Tây Nam Bộ đi Tây Ninh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Cam-pu-chia và các nước ASEAN. Có một thực tế hiện nay là các con đường ra cảng biển, sân bay như: Cát Lái, Hiệp Phước, đường đi Tân Sơn Nhất,…. luôn là nỗi ám ảnh cho cánh lái xe. Ông Lê Hữu Tám, một chủ doanh nghiệp xe công-ten-nơ khẳng định, giá cước vận tải tăng chủ yếu do tiêu hao dầu quá lớn từ hậu quả tắc đường, kẹt xe. Tắc đường, kẹt xe do kết nối giao thông kém đã khiến TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 23 nghìn tỷ đồng/năm, đó là chưa kể các chi phí gián tiếp khác.
Mới đây, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp Bộ GTVT giải quyết dứt điểm vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, nhất là các đầu mối giao thông cửa ngõ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Hạ tầng GTVT phải bảo đảm đi lại thuận tiện giữa các đô thị vệ tinh, với các địa phương trong khu vực, với cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để tăng tính kết nối, thành phố cần khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng, cấp thiết mang tính đột phá, đóng vai trò động lực phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, cần có giải pháp huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức, thu hút đầu tư nước ngoài. TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT ủng hộ thành phố trong việc chủ động xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy huy động nguồn vốn theo hình thức đối tác công – tư (PPP), tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, giải tỏa các điểm nghẽn vì mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, phù hợp một đô thị đặc biệt, phát triển và liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ý kiến ()