Liên kết du lịch giữa khu vực trọng điểm quốc gia Hải Phòng và Quảng Ninh
Hội thảo thu hút hơn 30 doanh nghiệp lữ hành, các công ty du lịch của các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và các nhà quản lý, các chuyên gia du lịch.
Các bài tham luận nhấn mạnh, Hải Phòng và Quảng Ninh có nhiều tiềm năng liên kết phát triển du lịch và đã được xác định là hai trọng điểm phát triển du lịch trong tam giác động lực tăng trưởng kinh tế, xã hội Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Với kết cấu hạ tầng du lịch được cải thiện, nhiều điểm du lịch tại hai địa phương trên đã được đầu tư nâng cấp đã trở thành những địa danh nổi tiếng, tạo sức hút lớn với khách du lịch như: Đồ Sơn và Cát Bà (Hải Phòng), vịnh Hạ Long và Yên Tử (Quảng Ninh).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, liên kết phát triển du lịch giữa Hải Phòng và Quảng Ninh cũng như các địa phương khác còn yếu kém, chưa thực sự phát huy vai trò trong vùng du lịch duyên hải Bắc Bộ.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng chưa đáp yêu cầu phát triển, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch còn hạn chế khiến nhiều điểm du lịch đẹp bị đầu tư manh mún, chắp vá, phá vỡ không gian và cảnh quan chung. Sản phẩm du lịch của hai địa phương thiếu đa dạng, hoạt động quảng bá chưa chuyên nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, môi trường du lịch nhiều nơi bị suy giảm…
Hải Phòng với các địa danh như Cảng Hải Phòng, Đình Hàng Kênh, Chùa Dư Hàng cổ kính, bãi biển Đồ Sơn, đảo Cát Bà, làng múa rối nước truyền thống Nhân Mục, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn…Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới và các địa danh nổi tiếng như: Trà Cổ, Yên Tử, đền Cửa Ông….đang rất cần một chiến lược quy hoạch và liên kết phát triển du lịch cho phép khai thác những lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tài nguyên, vị trí giao thương, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết, vốn là nơi đón luồng khách từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái và sân bay Cát Bi và các cảng biển quan trọng, tăng cường liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ mở ra nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường hình ảnh điểm đến để thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Ông Tuấn gợi ý một số giải pháp gồm: Trao đổi kinh nghiệm trong quy hoạch và quản lý quy hoạch; Liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch bằng nhiều phương thức vận chuyển (du lịch đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt); Liên kết khai thác thế mạnh sản phẩm du lịch mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và đa dạng; tăng cường liên kết quảng bá điểm đến chung; Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm bảo vệ môi trường các điểm du lịch; liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch địa phương, đảm bảo thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững
Ý kiến ()