Liên kết định vị hình ảnh du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng của Chiến khu Việt Bắc, việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong nội vùng và với các tỉnh, thành phố trên cả nước được xem là đòi hỏi tất yếu. Đây cũng là chìa khóa chiến lược giúp khai thác các lợi thế để định vị hình ảnh du lịch vùng đất trung kiên, nghĩa tình Việt Bắc.
Du khách tham quan Khu du lịch Pác Bó, Cao Bằng. (Ảnh DUY THÁI) |
Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, vùng Chiến khu Việt Bắc (gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) là nơi đang lưu giữ hệ thống hơn 1.000 di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng nổi tiếng, trong đó có nhiều di tích cách mạng gắn liền giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc như: ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), quần thể di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), cụm di tích Bác Hồ với Chiến dịch biên giới 1950, Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)…
Vùng đất này còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc về phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi thức dân gian, sản phẩm thủ công, ẩm thực, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đây chính là nguồn lực to lớn để các tỉnh Việt Bắc khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch về nguồn, du lịch tưởng niệm, kết hợp các nhóm sản phẩm khác như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch hình thành trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử đã được các tỉnh trong vùng xây dựng, gây được tiếng vang như: Festival chè Thái Nguyên, Lễ hội thành Tuyên (Tuyên Quang), chợ tình Khau Vai, Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Liên hoan du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hội xuân Ba Bể (Bắc Kạn), Lễ hội thác Bản Giốc, Lễ hội về nguồn Pác Bó (Cao Bằng)… Tuy nhiên, sự phát triển du lịch vùng vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng; sản phẩm đặc thù mang tính thế mạnh là du lịch về nguồn vẫn chưa tạo được sức hút với du khách.
Việc thu hút vốn đầu tư chủ yếu vào hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống, các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư nhiều, nên còn đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương. Tại các di tích lịch sử, số lượng các điểm dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí đi kèm còn quá ít, do vậy, các điểm này thường chỉ là điểm phụ trợ trên hành trình của du khách. Hiện một số doanh nghiệp lữ hành không mấy mặn mà khi tổ chức các tour du lịch về nguồn vì cơ sở vật chất tại điểm đến còn yếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, nhân lực phục vụ chưa chuyên nghiệp. Du lịch về nguồn cơ bản vẫn mang tính khép kín ở từng địa phương.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hoạt động liên kết trong xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… giữa các địa phương trong và ngoài khu vực còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả cho nên năng lực cạnh tranh thấp, không phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch vùng.
Đó cũng là lý do Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” vừa được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp Tổng cục Du lịch, Viện Kinh tế Văn hóa (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, nhằm tìm ra những giải pháp liên kết hiệu quả.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Sản phẩm du lịch không đơn thuần là phép cộng các hạng mục ăn, ở, đi lại, tham quan, mua sắm…, mỗi thời điểm có những chủ đề du lịch khác nhau, mỗi chủ đề lại hướng đến những nhóm đối tượng khách hàng với yêu cầu về hành trình, dịch vụ khác nhau.
Vì thế, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để đánh giá vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình trong chuỗi giá trị sản phẩm để phối hợp một cách linh hoạt nhằm phát huy lợi thế, cùng tạo ra sản phẩm tour hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa điểm đến với các công ty du lịch có khả năng khai thác khách để xây dựng, hoàn thiện sản phẩm, chiến dịch khuyến mãi, chương trình truyền thông, quảng bá.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng cho hay, từ tháng 9 trở đi, nhu cầu du lịch hè sẽ giảm dần, hàng không bớt sôi động, trong khi đó đây là thời điểm đẹp, thuận lợi để du lịch các tỉnh miền núi phía bắc.
Vì thế, liên kết du lịch Chiến khu Việt Bắc nên có chương trình hợp tác với hàng không về chính sách vé khuyến mãi để xây dựng các sản phẩm tour kích cầu, thu hút khách từ các thị trường xa như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Trị, và nước ngoài về… Với các địa danh như: Điện Biên Phủ, Tân Trào, Tuyên Quang, ATK…, sẽ có nhiều điều kiện để hợp tác với Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam trong xây dựng chính sách giá vé cho một số đối tượng trong cả nước tới tham quan, du lịch.
Đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) gợi ý: Khi sáu tỉnh Việt Bắc liên kết thành khối thống nhất, cần thành lập Ban Chỉ đạo vùng hoặc bộ phận đầu mối duy nhất để chỉ đạo thực hiện các nội dung hợp tác, giúp quá trình liên kết, triển khai diễn ra nhanh chóng, đạt hiệu quả cao hơn.
Vụ Lữ hành cho rằng trước mắt, sáu tỉnh Việt Bắc nên liên kết với tám tỉnh Tây Bắc mở rộng để tạo ra cơ hội, động lực phát triển du lịch vùng. Sự liên kết này sẽ giúp mở rộng không gian du lịch khắp các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hình thành các tour du lịch xuyên suốt các tỉnh miền núi phía bắc. Hơn nữa, tám tỉnh Tây Bắc mở rộng là nơi có hoạt động du lịch tương đối phát triển, nên khi liên kết sẽ mở ra cơ hội phát triển cho Việt Bắc với những thuận lợi trong xúc tiến, đào tạo nhân lực, đặc biệt là khả năng thu hút thêm dòng khách du lịch quốc tế.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho hay: Đối với du lịch về nguồn, thuyết minh dẫn dắt là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Bắc, mới chỉ có thuyết minh tại điểm đến tương đối tốt. Các địa phương cần phối hợp doanh nghiệp xây dựng thành tour kết nối theo chuyên đề, chủ đề riêng để gia tăng giá trị, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, từ đó hình thành hệ thống thuyết minh dẫn dắt để phục vụ tuyên truyền, quảng bá tới du khách cũng như xâu chuỗi hành trình di chuyển của du khách. Trong hành trình du lịch, bên cạnh tham quan di tích lịch sử, khách còn nhiều nhu cầu khác.
Vì thế, các đơn vị liên quan cần kết hợp sản phẩm chủ đạo với những sản phẩm du lịch vệ tinh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Hiện nay, khi lượng khách đi lẻ ngày càng áp đảo thì công tác định hướng sản phẩm trong liên kết càng cần được chú trọng. Việc liên kết đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ để thu hút du khách tham gia nhiều trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú sẽ là giải pháp định vị hình ảnh du lịch vùng Việt Bắc thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, an toàn.
Ý kiến ()