Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Nhiều năm trở lại đây, ngành gỗ là một trong những ngành luôn dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn còn tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, cần có sự liên kết mạnh mẽ để tạo nên sức mạnh đồng thuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Còn nhiều thách thức
Theo thống kê, hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp ngành gỗ, sử dụng hơn 700 nghìn lao động và hàng chục nghìn lao động tự do đang làm việc trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để ngành gỗ liên tục đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Cùng với các cơ hội và thuận lợi, ngành gỗ đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, thương mại toàn cầu thời gian qua mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất đồ gỗ trên thế giới đang tạo những áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nguyên liệu do các quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu.
Trong khi đó, về yếu tố chủ quan, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thật sự mạnh, còn tự phát, thiếu bền vững. Các doanh nghiệp hiện vẫn còn đầu tư mang tính dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng.
Thêm vào đó, các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (nhiều nhân công, lao động rẻ) không còn chiếm ưu thế như trước. Một vấn đề quan trọng khác là hiện có nhiều doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao đã và đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn ngành.
Liên kết giữa các doanh nghiệp là vấn đề mang tính sống còn đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ trong tương lai gần. Cùng với đó, để giảm giá thành, một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa sản phẩm cạnh tranh thành công trên thương trường là các doanh nghiệp phải sớm chủ động liên kết, xây dựng chuỗi nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng, đạt chứng chỉ quốc tế.
Vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ dân, giữa các công ty lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến gỗ, giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với quỹ đầu tư quốc tế… hiện còn nhiều vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện có nhiều công ty chế biến trong ngành gỗ có nhu cầu về nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng bảo đảm chất lượng. Các doanh nghiệp này có một số thế mạnh trong việc thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, như có nguồn lực về tài chính đầu tư vào trồng rừng với chu kỳ dài tạo gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; có kỹ năng và trình độ quản lý và khoa học, kỹ thuật từ khâu giống, chăm sóc vườn cây tới khâu khai thác giúp nâng cao năng suất của gỗ rừng trồng và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải là không tiếp cận được với nguồn quỹ đất để trồng rừng, bởi nguồn quỹ đất này đang nằm dưới sự quản lý của các hộ và các công ty lâm nghiệp. Hình thành và mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp là hướng đi đột phá trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là gỗ lớn có chứng chỉ. Trên thực tế, mô hình liên kết giữa hộ và các công ty chế biến gỗ đã hình thành tại một số địa phương như: Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế.
Theo đó, hộ gia đình góp đất và lao động, cùng với công ty chế biến gỗ phát triển rừng trồng có chứng chỉ FSC, nhằm tạo nguồn gỗ nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến. Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích liên kết được cấp chứng chỉ vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do chi phí quá lớn đối với doanh nghiệp và tâm lý lo sợ người dân phá vỡ hợp đồng khi tham gia liên kết. Bên cạnh đó, do chính quyền địa phương còn đứng ngoài cuộc cũng chưa tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư.
Về phía các hộ gia đình, lo sợ rủi ro khi liên kết với doanh nghiệp do thiếu thông tin, tâm lý lo ngại khi tham gia liên kết, bao gồm cả cơ chế phân chia lợi ích trong tương lai. Với các hạn chế này, việc hình thành liên kết cần có sự tham gia của bên thứ ba, trong khi các tổ chức hội, chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng… là những “ông tơ, bà nguyệt” thì lại đang đứng ngoài cuộc, gây rất nhiều khó khăn cho các cuộc “se duyên” lẽ ra nên được hình thành khi cơ hội đến…
Liên kết để phát triển
Do trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 70% gỗ nguyên liệu cho nên mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ để chế biến sản phẩm gỗ phục vụ sản xuất và chế biến. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và cước vận chuyển tăng nhanh thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng cao đang trở nên cấp thiết và đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ. Nguồn gỗ rừng trồng trong nước hiện đang được kỳ vọng là một trong những nguồn cung quan trọng để thay thế nguồn cung nhập khẩu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Lê Văn Gọi, với lợi thế ngành gỗ là ngành công nghiệp có sức hút, góp phần tăng giá trị lợi nhuận cho sản phẩm và giá trị gia tăng cũng như thu hút được các nhà đầu tư và góp phần đưa thương hiệu của ngành gỗ Việt Nam ra toàn cầu, do vậy, với tầm nhìn này, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gỗ Việt là việc rất cần thiết. Cần có sự chọn lọc và xác định nhóm doanh nghiệp điển hình để trở thành đại sứ thương hiệu, đại diện cho ngành gỗ Việt Nam trên các thị trường mục tiêu.
Giá trị của thương hiệu sẽ được xây dựng bằng chính nội lực, năng lực cạnh tranh bền vững, chất lượng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung vào một số ”lực đẩy”, trong đó có nguồn gỗ nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững trong nước ngày càng chủ động sẽ là lợi thế của ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, đồng thời duy trì được khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Và để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững cần tăng cường chuỗi liên kết sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ xây dựng cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC-FM) nhằm chủ động cung cấp gỗ nguyên liệu chất lượng, có giá trị kinh tế cao.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho rằng, việc tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai cần có những thay đổi mang tính đột phá.
Liên kết chuỗi, đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ trồng rừng, giữa doanh nghiệp chế biến và công ty lâm nghiệp và giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức đầu tư chất lượng cao, theo chuỗi sản xuất có tiềm năng trong việc tạo các bước phát triển đột phá trong ngành chế biến nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung. Các chính sách về đất đai, liên kết hợp tác kinh doanh trong ngành gỗ cần thay đổi, theo hướng tạo môi trường thúc đẩy hình thành liên kết, cởi trói và giải phóng tiềm năng về đất đai thông qua các mô hình liên kết.
Siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển. Cần đa dạng hóa các loài cây lấy gỗ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại sản phẩm.
Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành sản xuất, chế biến gỗ giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả nguồn gỗ rủi ro, giúp nâng hình ảnh và vị thế ngành gỗ Việt trên trường quốc tế. Các giải pháp này cũng trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai.
Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam. Theo đó, các hiệp hội cùng hợp tác phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 18 đến 20 tỷ USD và các mục tiêu khác đề ra; nỗ lực hợp tác, liên kết trong cộng đồng ngành gỗ để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp…
Ý kiến ()