Liên kết để phát triển nông sản hàng hóa giá trị cao
LSO- Theo Sở KH&CN, dân số của tỉnh có gần 80% hiện sống ở khu vực nông thôn, phát triển kinh tế chủ yếu vẫn dựa nhiều vào làm nông nghiệp. Với nhiệm vụ được giao, thời gian qua ngành khoa học tỉnh đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ bà con nông dân. Ngoài việc nghiên cứu các dự án góp phần phát triển cây trồng, con giống một cách bền vững, ngành đã và đang hướng đến việc tổ chức liên kết “4 nhà” (nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) để từng bước phát triển nông sản theo hướng hàng hóa.
Ngày 4/5 vừa qua, lãnh đạo Sở KH&CN đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm hoa hồi giữa Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông sản Lạng Sơn với một số công ty lớn trong và ngoài nước. Để có được những hợp đồng cung cấp sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn một cách dài hạn, ngoài năng lực của doanh nghiệp còn có sự giúp sức rất đắc lực của Sở KH&CN. Theo bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu nông sản Lạng Sơn, Sở KH&CN không chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý sản phẩm hoa hồi cho công ty mà trong thời gian qua còn thường xuyên quan tâm, tư vấn cho công ty về hướng đầu tư máy móc công nghệ chế biến hoa hồi. Đặc biệt, Sở KH&CN còn là cầu nối giúp liên kết người trồng hồi cho công ty, qua đó đã giúp công ty có được nguồn hoa hồi ổn định và chất lượng nhất. Có thể khẳng định rằng, thành quả mà Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông sản Lạng Sơn gặt được hôm nay chính là quả ngọt mà ngành khoa học tỉnh đã gieo từ nhiều năm trước.
Trồng nấm hàng hoá theo kỹ thuật mới tại TTƯDTBKH-CN
Thực hiện chủ trương của tỉnh là từng bước nâng tầm sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn, ngành khoa học tỉnh đã bỏ ra nhiều tâm huyến để có thể xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi. Ngoài ra, ngành còn nỗ lực nghiên cứu cách cải tạo rừng hồi năng suất thấp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con trồng hồi những kỹ thuật chăm sóc, cải tạo đất… để chất lượng hoa hồi tốt hơn. Song song với đó, Sở KH&CN còn nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật mới cho việc chế biến hồi. Với những kỹ thuật chế biến hồi mới, chất lượng và giá trị hoa hồi của Lạng Sơn đã tăng gấp 3 lần so với trước kia. Thành công trong việc phát triển hồi trở thành nông sản hàng hóa, Sở KH&CN tiếp tục xây dựng mộ hình sản xuất nấm hàng hóa tại Lạng Sơn. Hiện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất các loại giống, công nghệ sản xuất nuôi trồng, và chế biến các loại nấm khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Lạng Sơn cho bà con nông dân. Với sự hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của các cán bộ Trung tâm, bà con nông dân sẽ từng bước tiếp cận được với kỹ thuật mới cho việc trồng một số loại nấm có giá trị kinh tế cao như: nấm kim châm, nấm hương, nấm sò, nấm đùi gà, nấm linh chi, nấm vân chi. Song song với việc chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất nấm hàng hóa cho bà con nông dân, Sở KH&CN còn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến nấm như: sa-lát nấm sò, rượu linh chi… Việc làm này chính là để tạo đầu ra ổn định cho nấm hàng hóa mà bà con nông dân đang sản xuất.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, hiện tại, nếu doanh nghiệp nào có nhu cầu, ngành sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế biến nấm cho doanh nghiệp đó, đồng thời sẽ gắn kết doanh nghiệp với bà con trồng nấm. Đối với nấm hàng hóa, cách làm mới này của Sở KH&CN mới thực hiện được hơn 2 năm nhưng hiện tại đã cho những kết quả rất khả quan. Các loại nấm của bà con sản xuất ra đã đứng vững được trên thị trường, không những vậy, giá trị kinh tế của nấm cũng cao nên ngày một thu hút nhiều hộ tham gia trồng nấm. Trên đây là hai thành công của Sở KH&CN trong việc liên kết “4 nhà” nhằm phát triển nông sản địa phương theo hướng hàng hóa. Những thành công bước đầu của ngành khoa học tỉnh đã cho thấy khả năng ứng dụng những tiến bộ mới về khoa học vào thực tiễn sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất toàn diện và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và lao động nông nhàn nông thôn, hướng đi này đã thực hiện đúng chủ trương của tỉnh, đó là: cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng cường dịch vụ, hiện đại hoá; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao; tăng yếu tố công nghiệp trong sản xuất, tăng khâu chế biến hàng hoá.
Trong thời gian tới, ngành khoa học tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp tham mưu cho tỉnh xây dựng một số chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, ngành tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu giúp nông dân ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá. Cùng với đó, ngành sẽ cùng với ngành công thương kết nối các doanh nghiệp với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()