Liên kết để phát triển bền vững
Hiện nay, tại TP Cần Thơ, cá tra nguyên liệu có giá từ 20.000 đến 21.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg trong vòng hơn một tháng qua. Với giá này, người nuôi cá tra có lãi. Tuy nhiên, thời gian qua, giá cá tra bấp bênh, thường thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi bị lỗ, dẫn đến không có tiền tái đầu tư nuôi cá nên dù giá cao, nông dân vẫn không còn cá để bán. Việc thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu đã được dự báo từ trước, là hệ quả tất yếu của thiếu liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp.Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, đến năm 2010, diện tích nuôi cá tra của thành phố là 1.000 ha với sản lượng 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2008 quy hoạch này bị phá vỡ vì diện tích nuôi cá tra của thành phố tăng lên hơn 1.300 ha do người dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra vì trước đó, nuôi cá tra lãi cao, nhiều người làm giàu nhờ cá tra. Hậu quả là nguồn cá tra nguyên liệu tăng gấp đôi dẫn đến dư...
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, đến năm 2010, diện tích nuôi cá tra của thành phố là 1.000 ha với sản lượng 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2008 quy hoạch này bị phá vỡ vì diện tích nuôi cá tra của thành phố tăng lên hơn 1.300 ha do người dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra vì trước đó, nuôi cá tra lãi cao, nhiều người làm giàu nhờ cá tra. Hậu quả là nguồn cá tra nguyên liệu tăng gấp đôi dẫn đến dư thừa, doanh nghiệp ép giá nông dân. Nhiều nông dân từ giàu có trở thành trắng tay, phá sản vì con cá tra. Từ đó đến nay, giá cá tra liên tục giảm, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y… tăng cao, khiến nhiều người nuôi cá tiếp tục bị thua lỗ.
Đến nay, diện tích nuôi cá tra của TP Cần Thơ còn khoảng 730 ha, giảm gần 300 ha so quy hoạch, chỉ bằng một nửa so với diện tích nuôi cá tra năm 2008. Vùng nuôi cá tra chủ yếu ven sông Hậu, tập trung ở quận Ô Môn và Thốt Nốt. Hiện những ao nuôi cá tra là của doanh nghiệp đầu tư hay HTX liên kết với doanh nghiệp, còn hộ nuôi nhỏ lẻ không giữ được với nghề. Ông Nguyễn Minh Huy ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, nhiều năm nuôi cá tra cho biết: 'Ba năm qua, giá cá tra thấp hơn giá thành nên số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ giảm dần, đến nay hơn 80% số hộ nuôi nhỏ lẻ thua lỗ phải 'treo ao' vì không còn tiền tái đầu tư. Nuôi cá tra vốn đầu tư rất lớn, chỉ cần một vài vụ thất bại là nông dân phá sản. Những hộ còn tiếp tục nuôi thường là những hộ có vốn lớn và liên kết với doanh nghiệp'.
TP Cần Thơ và một số tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… có lợi thế lớn trong việc nuôi cá tra. Vì thế, sản lượng và giá trị kinh tế của cá tra rất lớn. Một ha nuôi cá tra công nghiệp đạt sản lượng khoảng 500 tấn, với giá thành như hiện nay đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng (trong sáu tháng nuôi). Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Cần Thơ đạt gần 200 triệu USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo của thành phố, trong khi diện tích nuôi cá tra chỉ bằng 1/100 diện tích lúa. Năm 2010, sản lượng xuất khẩu cá tra có giảm nhưng kim ngạch đạt hơn 150 triệu USD.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, giá trị kinh tế của con cá tra lớn nhưng thời gian qua, người nuôi chưa được hưởng lợi tương xứng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vì lợi ích của mình nên cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, quay lại mua cá tra của nông dân giá thấp làm người nuôi thua lỗ, không còn vốn để tiếp tục nuôi là nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu như hiện nay.
Ba năm qua, hợp tác xã (HTX) Thới An, phường Thới An, quận Ô Môn vẫn duy trì nghề nuôi cá tra, bảo đảm 20 xã viên có thu nhập ổn định. HTX đã ký hợp đồng liên kết đầu tư với Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) trong việc đầu tư nuôi cá. Công ty cung cấp thức ăn, thuốc thú y… cho suốt quá trình nuôi cá, người nuôi được Công ty trả công 2.500 đồng/kg cá tra thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, HTX bảo đảm xã viên lãi 1.000 đồng/kg. Mỗi năm, HTX Thới An cung cấp cho Công ty Hùng Vương hơn 10.000 tấn cá tra nguyên liệu. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An cho biết: 'Mô hình liên kết này giúp người nuôi giảm chi phí đầu tư vì thức ăn chiếm hơn 80% giá thành mỗi kg cá tra. Việc tiêu thụ cá tra dễ dàng vì công ty bao tiêu, không có chuyện ép giá bởi phần vốn đầu tư của doanh nghiệp rất lớn. Người nuôi lãi nhiều hay ít phụ thuộc việc áp dụng quy trình nuôi chứ không sợ thua lỗ'.
Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho biết: Thực tế thời gian qua, những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, không có sự liên kết với doanh nghiệp đều thua lỗ và không 'trụ' được với nghề. Vì vậy, liên kết trở thành xu hướng tất yếu của công nghiệp cá tra trong tương lai. Ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích các hộ nhỏ lẻ liên kết lại với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Nếu chưa có sự liên kết thì không nên nuôi cá tra mà chuyển sang nuôi loài thủy sản khác có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro hơn. Để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, ngoài việc áp dụng quy trình nuôi cá tra sạch thì lợi ích của doanh nghiệp và người nuôi cá phải gắn chặt với nhau, để lợi nhuận từ con cá tra mang lại được phân bổ hợp lý. Cần áp dụng chính sách giá sàn xuất khẩu cá tra. Giá sàn được thiết lập dựa trên các yếu tố chi phí, trong đó giá cá tra nguyên liệu được tính trên cơ sở giá thành sản xuất, bảo đảm lợi nhuận cho người nuôi để tiếp tục tái đầu tư. Đồng thời, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngừng cấp chứng thư xuất khẩu cá tra đối với doanh nghiệp nào bán phá giá.
Theo đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, vùng nuôi cá tra chủ yếu ở khu vực ven sông Tiền, sông Hậu gồm các tỉnh, thành phố: Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp… với diện tích năm 2015 là 11.000 ha và năm 2020 là 13.000 ha. Các cơ sở nuôi cá tra mới phải có diện tích từ 10 ha trở lên. Đề án khuyến khích phát triển đi đôi với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hộ nuôi cá tra theo hình thức kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác. Nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ với người nuôi. Có như vậy nghề nuôi cá tra mới phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()