Liên kết chuỗi giá trị cà-phê Tây Nguyên
Cà-phê là cây trồng có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhưng hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Do đó, để nâng cao vị thế của loại nông sản chủ lực này cần hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị.
CÀ-PHÊ Tây Nguyên được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đác Lắc (35,3%), Lâm Đồng (27,6%), Đác Nông (20,7%) và Gia Lai (13,8%). Hàng năm cho sản lượng đạt 1,3 triệu tấn, chiếm hơn 93,3% sản lượng cà-phê cả nước. Đặc biệt năng suất cà-phê vối (Robusta) của Tây Nguyên gấp ba lần năng suất bình quân của thế giới (2,5 tấn/ha so với 0,8% tấn/ha), nhưng giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm vẫn còn thấp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết: Đác Lắc có diện tích cà-phê lớn nhất vùng Tây Nguyên, trong đó phần lớn là cà-phê Robusta nhưng 90% diện tích do nông dân tự trồng, chăm sóc, quản lý, chỉ có khoảng 10% sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các công ty, doanh nghiệp quản lý. Đặc biệt diện tích cà-phê già cỗi có tuổi đời hơn 20 năm chiếm tới 31,48%, còn từ 15 đến 20 năm tuổi chiếm 32,88%. Cộng với tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, từ thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, đến lao động thu hái, chế biến cà-phê khi vào vụ thu hoạch… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất cao, dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên, với tốc độ tăng bình quân 2,5%/năm, hiện diện tích cà-phê toàn vùng Tây Nguyên đạt hơn 576 nghìn ha, chiếm 89,4% cả nước và tăng 13,26% so với năm 2010. Trong đó có gần 41 nghìn ha chưa cho sản phẩm, chiếm 7,1% tổng diện tích toàn vùng. Mặc dù từ nhiều năm nay, cà-phê được coi là cây trồng chủ lực, có ưu thế tuyệt đối của vùng nhưng giá trị gia tăng để lại cho Tây Nguyên trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp và bắt đầu có xu hướng giảm.
Nguyên nhân của tình trạng trên do năng lực tìm kiếm thị trường của ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu. Thể hiện rõ nhất là công tác dự báo thông tin giá cả thiếu chính xác. Thay vì cập nhật giá cả thị trường kịp thời cho người trồng cà-phê thì nhiều doanh nghiệp lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh, lợi dụng việc thiếu thông tin của phần lớn bà con nông dân để ép giá. Một số doanh nghiệp chế biến chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát triển chuỗi liên kết giá trị, kết nối giữa sản xuất – chế biến – thị trường, để tạo ra những sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu và giá trị gia tăng cao.
Để khẳng định ưu thế tuyệt đối của vùng, thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm và sản xuất cà-phê đạt chứng chỉ chất lượng quốc tế, đồng thời hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị, giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, bảo đảm khép kín từ cung ứng vật tư đầu vào, đến sản xuất, thu mua, chế biến sâu, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn 4C, GAP,…
Đến nay, cà-phê Tây Nguyên hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cà-phê, cũng như xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ cà-phê Tây Nguyên. Thực hiện liên kết ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giữa các tổ chức trong vùng và giữa Tây Nguyên với các vùng trồng cà-phê có tiềm năng và lợi thế so sánh trong nước. Xây dựng mô hình tập quán canh tác cà-phê bền vững, trong đó chú ý đến các vấn đề cải thiện cảnh quan phục vụ du lịch nông nghiệp sinh thái nhằm tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân địa phương.
Trước mắt, cần đổi mới hoạt động của Ban Điều phối phát triển cà-phê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan và các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các đề án liên kết toàn vùng, hình thành nghiệp đoàn cà-phê vùng Tây Nguyên và Quỹ hỗ trợ phát triển cà-phê. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm để liên kết phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm cà-phê. Tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển nâng cao vai trò của Hiệp hội cà-phê – ca cao, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của người trồng cà-phê làm cầu nối bảo vệ quyền lợi người sản xuất, tiêu dùng sản phẩm cà-phê Tây Nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()