Liên kết chặt chẽ hơn để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững
Sau hơn 3 ngày làm việc tích cực, ngày (27/4), Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (do Bộ NN&PTNT đăng cai tổ chức tại Hà Nội) đã bế mạc.
Tại cuộc họp báo sau khi bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”, sau các phiên thảo luận hiệu quả, tích cực, Hội nghị đã rút ra các kết luận sau:
Thứ nhất, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) có vai trò quan trọng. Chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu/phục hồi là điều kiện tiên quyết để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, cũng như giá tiêu dùng và năng lượng cao.
Thứ hai, tư duy toàn cầu, hành động địa phương: Chuyển đổi hệ thống LTTP cần được tiếp cận từ toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường/cách thức chuyển đổi hệ thống LTTP cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và địa phương trong quốc gia đó.
Thứ ba, cần sử dụng cách tiếp cận bao trùm, đa ngành, đa lĩnh vực và mang tính hệ thống trong chuyển đổi hệ thống LTTP. Chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững cần gắn với các yếu tố có liên quan bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thương mại…
Việc chuyển đổi hệ thống LTTP ở từng quốc gia đòi hỏi phải có đủ quyết tâm chính trị và sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành, lĩnh vực, các bên liên quan từ Trung ương tới địa phương, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, khu vực nhà nước và tư nhân. Đồng thời, việc chuyển đổi đòi hỏi phải có sự gắn kết, kết hợp giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, giữa chiến lược dài hạn và các kế hoạch ngắn hạn. Việc quản trị và điều phối các bên liên quan là quan trọng và cần thông qua 1 kế hoạch hành động.
Cuối cùng, để chuyển đổi hệ thống LTTP thành công, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực bao gồm khoa học công nghệ, tài chính, sự tham gia và đổi mới sáng tạo. Trong đó, về nguồn lực tài chính: Chính sách tài chính cho chuyển đổi hệ thống LTTP cần nhất quán và toàn diện ở cấp toàn cầu, quốc gia và địa phương. Các chính sách tài chính cần tiếp cận trên 3 khía cạnh: Tạo động lực, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.
Ông Joao Campari, lãnh đạo Chương trình thực phẩm toàn cầu Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cho biết WWF sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hướng tới phát triển hệ thống LTTP bền vững.
Ông Joao Campari đánh giá, hệ thống LTTP đang trong giai đoạn rủi ro. Có hơn 10% hộ gia đình toàn cầu có thể bị nạn đói. Từ góc độ môi trường, hệ thống LTTP chịu trách nhiệm khoảng 70% cho tổn thất về môi trường, đa dạng sinh học.
Nhiều thập kỷ, thế kỷ qua, chúng ta đã khai thác hệ tự nhiên để có được LTTP. Nhưng vấn đề còn tồn tại là lãng phí, tổn thất về LTTP, điều này cần được tháo gỡ.
Tại bế mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra mong muốn phát triển một “Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống LTTP ở khu vực Đông Nam Á”. Ông Joao Campari đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam. “Đây sẽ là hệ thống tốt, cho phép chúng ta đi nhanh và đi cùng nhau”, ông Joao Campari nói.
Ông Alwin Kopse, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế và Hệ thống thực phẩm, Văn phòng Nông nghiệp Liên bang Thụy Sĩ đánh giá, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực này, hướng tới hệ thống lương thực thực phẩm bền vững quốc gia và thế giới trong tương lai.
Trước thách thức về biến đổi khí hậu, giảm nghèo, mất đa dạng sinh học… hội nghị đã thể hiện rõ thông điệp: Các quốc gia cần thực hiện cùng nhau để xây dựng hệ thống LTTP bền vững.
Về việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, ông Alwin Kopse đánh giá, đây là công việc lớn. Việt Nam đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp rất trọng tâm, trọng điểm. Để thực hiện thành công cần có sự thống nhất giữa các chủ thể khác nhau.
Ý kiến ()