Liên kết bốn nhà giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất
Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch cá tra. Đến thời điểm này, liên kết bốn nhà, giữa nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học và Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa thật sự vững chắc và chưa trên diện rộng. Một trong những điểm nhấn của liên kết bốn nhà là chính sách tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Khâu yếu nhất là cơ chế để gắn kết các nhà lại với nhau nhằm tạo ra bước chuyển trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL.Liên kết bốn nhà còn lỏngCác doanh nghiệp từng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía, lúa với nông dân trên địa bàn ĐBSCL cho biết, khi giao kết hợp đồng doanh nghiệp đưa ra mức giá sàn bảo đảm nông dân có lãi, thế nhưng vào thời điểm thu hoạch sản phẩm, nếu giá thị trường cao hơn giá sàn trong hợp đồng thì nông dân tự ý đem sản phẩm bán cho thương lái, hoặc trường hợp giá thị trường thấp hơn giá sàn thì doanh nghiệp vẫn phải...
Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch cá tra. |
Đến thời điểm này, liên kết bốn nhà, giữa nhà nông – doanh nghiệp – nhà khoa học và Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa thật sự vững chắc và chưa trên diện rộng. Một trong những điểm nhấn của liên kết bốn nhà là chính sách tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Khâu yếu nhất là cơ chế để gắn kết các nhà lại với nhau nhằm tạo ra bước chuyển trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL.
Liên kết bốn nhà còn lỏng
Các doanh nghiệp từng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mía, lúa với nông dân trên địa bàn ĐBSCL cho biết, khi giao kết hợp đồng doanh nghiệp đưa ra mức giá sàn bảo đảm nông dân có lãi, thế nhưng vào thời điểm thu hoạch sản phẩm, nếu giá thị trường cao hơn giá sàn trong hợp đồng thì nông dân tự ý đem sản phẩm bán cho thương lái, hoặc trường hợp giá thị trường thấp hơn giá sàn thì doanh nghiệp vẫn phải thu mua theo hợp đồng, phần vốn chênh lệch chẳng được bù lỗ gì. Bởi vậy, các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân. Cũng phải thấy rằng, việc chọn lọc sản phẩm nhập kho của doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn mang tính quy phạm, trong lúc việc sản xuất của phần đông nông dân chưa tuân theo những quy trình canh tác từ khâu chọn lọc giống đến bảo quản sau thu hoạch, cho nên lúa thu hoạch không đạt những quy chuẩn đặt ra về độ ẩm, độ đánh bóng, chủng loại gạo. Mặt khác, việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ dân tiêu tốn thời gian từ cung ứng phân bón, giống đến thu gom sản phẩm, rồi việc kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện hợp đồng không thể bao quát nổi, điều này chỉ có thể thực hiện đối với tổ hợp tác, hợp tác xã với quyền lợi và trách nhiệm đại diện. Điều này cho thấy hợp đồng bao tiêu ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân ngay từ đầu vụ cần được bổ sung thêm những chế tài mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Nhìn chung tính hợp tác giữa các nhà chưa thật sự gắn bó. Nhà doanh nghiệp và hộ nông dân đều muốn có thu nhập cao mà thiếu sự chia sẻ cho nên dẫn đến tình trạng vi phạm hợp đồng ở cả hai phía. Mặt khác, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất nông sản và các đơn vị chế biến nông sản, cũng như sự gắn kết giữa người cung ứng vật tư nông nghiệp với người sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu không ổn định và chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Ngoài ra, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL những năm qua luôn biến động, không thể dự đoán trước cho nên các doanh nghiệp và hộ nông dân trong vùng khó khăn trong ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chủ trương và chính sách của Nhà nước về liên kết kinh tế chỉ có tính chất định hướng, cho nên các nhà chưa thấy hết nhu cầu tất yếu và trách nhiệm cùng liên kết với nhau. Vấn đề khác đặt ra là quyền lợi của nhà khoa học và Nhà nước trong mối liên hệ này thiếu cụ thể cho nên chưa ràng buộc họ gắn bó với doanh nghiệp và nhà nông.
Các chuyên viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các nhà nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ đưa ra giải pháp xây dựng cơ chế bảo đảm tốt hơn sự kết hợp hài hòa lợi ích của bốn nhà trong quá trình liên kết. Đối với nhà nông, nhà doanh nghiệp thì lợi ích kinh tế đã rõ, chủ yếu là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả các hợp đồng kinh tế. Đối với UBND xã – cơ quan hành chính tại địa phương đóng vai trò tuyên truyền cách thức làm ăn mới, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chỉ đạo lịch thời vụ, các biện pháp bảo vệ thực vật và quy hoạch sản xuất với tầm nhìn dài hơi. Cần thiết, gắn lợi ích của chính quyền địa phương trên những hợp đồng lớn giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các chương trình xã hội hóa xây dựng nông thôn mới. Đối với nhà khoa học, lợi ích trước hết của họ là được phổ biến thành quả nghiên cứu của mình ra đồng ruộng, trực tiếp đến tay hộ nông dân. Cả một đội ngũ đông đảo từ làm công tác nghiên cứu khoa học ở các viện, trường đến cán bộ khuyến nông, khuyến ngư lặn lội chuyển giao khoa học – kỹ thuật vào đồng ruộng nhưng chủ yếu là trách nhiệm, không được hưởng lợi ích kinh tế từ thành quả của mình. Tình trạng chung hiện nay là các doanh nghiệp sử dụng không công những sản phẩm mà nhà khoa học đem lại, xem nó như những sản phẩm công ích. Trên thực tế, đối với những vùng sản xuất nông, thủy sản tập trung, các chủ trang trại thuê tổ chức hay cá nhân nhà khoa học hướng dẫn, huấn luyện cho hộ nông dân những biện pháp, kỹ thuật canh tác mới, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành nông sản, tăng lợi thế cạnh tranh. Minh chứng bằng việc các chủ vuông tôm tại xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thường thuê mướn kỹ sư thủy sản hướng dẫn việc nuôi tôm và trả công khá cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng nêu ý kiến: Để hạn chế rủi ro, được mùa mất giá, thiên tai dịch bệnh… cần có chương trình tổng hợp định hướng cho mối liên kết bốn nhà, trong đó tạo điều kiện cao nhất giúp người nông dân vươn lên giữ vai trò chủ thể trong mối liên kết. Trong mối quan hệ nông dân và nhà khoa học, mặc dù các nhà khoa học từ các viện, trường đã quan tâm chuyển giao tiến bộ khoa học cho Hậu Giang và chính quyền địa phương cũng dành kinh phí đáng kể cho lĩnh vực này, nhưng do điều kiện còn khó khăn và đặc thù riêng, cho nên đến nay, kết quả đạt được còn ở mức thấp hơn nhiều so với các tỉnh ĐBSCL. Trong mối quan hệ nông dân và doanh nghiệp thì vướng mắc lớn nhất hiện nay là chung quanh vấn đề hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Còn mối quan hệ giữa nông dân với nông dân thì cần đẩy mạnh mối liên kết sản xuất theo hướng kinh tế tập thể. Bước đầu, làm ăn tập thể đã phát huy được tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên quy mô sản xuất còn quá nhỏ, nội dung hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa đủ lực để liên kết theo tinh thần Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo
Hiện nay ĐBSCL có nhiều mô hình hiệu quả từ việc liên kết bốn nhà để nâng cao chất lượng hạt lúa, nông sản, cá da trơn đạt các tiêu chuẩn Global GAP, HACP. Từ giữa năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang triển khai mô hình chuỗi liên kết dọc cá tra. Thực hiện chuỗi liên kết dọc, doanh nghiệp ký kết với các đối tác tham gia quy trình từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra. Trong chuỗi liên kết dọc tạo ra giá trị con cá tra, các bên liên quan đều có quyền lợi và nghĩa vụ gắn chặt với nhau nên ít xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp hay phá vỡ hợp đồng.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Gentraco) Lưu Thị Lan cho biết: Công ty đã từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ về chương trình liên kết “bốn nhà”, thực hiện đầu tư và bao tiêu lúa cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường từ 5 đến 25% đi kèm với việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cung cấp nguồn lúa giống xác nhận, bảo đảm chất lượng (Chính sách thu mua của Gentraco là giá sát với giá thị trường trong từng thời điểm và cộng thêm so với giá thị trường 200 đồng/kg lúa). Mô hình này được thí điểm ở huyện Cờ Đỏ vào năm 2008 với 130 ha và được nhân rộng lên hơn 800 ha vào năm 2010 tại địa bàn huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) và hơn 2.000 ha vào năm 2011. Qua ba năm triển khai, phần lớn nông dân ủng hộ chương trình vì họ vừa tăng thu nhập do giá mua lúa cao hơn giá thị trường, vừa yên tâm vì công ty bao tiêu hết sản phẩm và còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua đại diện hợp tác xã (HTX) đang được một số doanh nghiệp chuyên doanh chế biến lúa gạo xuất khẩu quan tâm. Chủ nhiệm HTX lúa – tôm Hòa Lời Mai Văn Chánh cho biết: Năm 2008, Gentraco đã liên kết với nhóm nông dân tại huyện Mỹ Xuyên để hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu lúa ST5 với chất lượng cao và ký kết hợp đồng với 12 hộ nông dân từ tháng 10-2008. Năm 2009, Gentraco hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho Hợp tác xã lúa – tôm Hòa Lời, được thành lập trên cơ sở 12 hộ trồng lúa ST5. Đây là một trong những HTX sản xuất lúa đầu tiên trong khu vực ĐBSCL thực hiện chương trình xây dựng và vận hành sản xuất lúa thơm đạt chứng nhận Global GAP và bắt đầu triển khai từ vụ mùa 2009 – 2010. Doanh thu của HTX Hòa Lời năm 2010 đạt 1,22 tỷ đồng, chi phí sản xuất là 480 triệu đồng, lợi nhuận 738 triệu đồng (tăng 65% so với 2009). Năm 2011, vùng lúa Global GAP này được mở rộng lên 60 ha, với 31 hộ tham gia. Tại HTX Hòa Lời, cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân khá rõ ràng, hợp đồng sản xuất và kinh doanh trên cơ sở tăng thu nhập và cùng có lợi cho các đối tác. Gentraco hỗ trợ toàn bộ giống và một phần chi phí sản xuất cho nông dân, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm, cũng như kế hoạch mở rộng sản xuất, từng bước bảo đảm nguyên liệu đầu vào theo nhu cầu của doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã với giá cao hơn giá thị trường từ 15 đến 25%. Về mặt quản lý, mô hình này liên kết được các hộ nông dân sản xuất theo một hệ thống quản lý chất lượng của HTX và tổ chức sản xuất tập trung để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí thấp. Bộ phận khuyến nông của HTX giám sát từng công đoạn trong quy trình sản xuất. Nhờ vậy, doanh nghiệp chủ động tư vấn và chỉ đạo các nông hộ sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, làm ra sản phẩm đạt chất lượng cao đúng như hợp đồng đã ký kết. Mô hình liên kết này là một minh chứng về xây dựng nông trại kiểu mẫu, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới.
Từ thực tiễn liên kết bốn nhà tại ĐBSCL cho thấy, cần xem xét lợi ích và trách nhiệm cụ thể của từng nhà trong mối quan hệ liên kết, từ đó tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó vai trò nòng cốt là công ty, doanh nghiệp được đầu tư cụm nhà máy chế biến gắn kết với nông dân vùng nguyên liệu với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Hiệu quả liên kết sẽ phát huy tối ưu nếu tranh thủ được sự tham gia của Hiệp hội lương thực Việt Nam, các tổng công ty phân bón, vật tư nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác của nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại… tiến đến những hợp đồng kinh tế với giá trị bao tiêu cao và nông dân là người hưởng lợi từ tất cả các giải pháp liên kết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()