Liên kết 4 nhà phát triển khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 9/11, tại thành phố Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học tổ chức hội thảo "Tạo mối liên kết giữa các nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông), tạo chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh, thành, các doanh nghiệp và hơn 300 nông dân tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa (Nguồn: baodautu.vn) |
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, thủy sản và cây ăn trái. Hàng năm, toàn vùng sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, cung cấp hơn 52% sản lượng thủy sản, trên 60% kim ngạch xuất khẩu và trên 70% sản lượng trái cây của cả nước… Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp của vùng còn hạn chế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng to lớn của vùng, diện tích bị bỏ hoang còn nhiều, tỷ lệ nông dân thất nghiệp còn cao, sản phẩm làm ra chat lượng chưa đáp ứng được yêu cầu khắc khe của thị trường quốc tế… Để ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển cả chiều rộng và chiều sâu rất cần các bộ ngành, địa phương tập trung quan tâm liên kết, hỗ trợ sâu rộng hơn để ngành nông nghiệp trong khu vực có bước phát triển đột phá và xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội thảo nhằm động viên và phổ cập kiến thức, tạo chuỗi liên kết giữa Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông để xây dựng quy trình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả theo hướng khoa học hiện đại, để sản phẩm có chất lượng đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường và đủ sức cạnh tranh trên thương trường, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện làm giàu cho người nông dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp báo cáo về tình hình nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa của nước ta hiện nay so sánh với các nước trong khu vực; Công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong gieo trồng; Phương pháp canh tác theo vùng; Phương pháp xử lý đất, nước; Vấn đề tái cơ cấu sản xuất cây ăn quả; Cách xử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả; Xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho ngành nông sản; Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật thành công của một số doanh nghiệp chăn nuôi trồng cây ăn quả, rau an toàn, lúa; Việc hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển nông nghiệp và đánh giá công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…
Dịp này, Ban tổ chức đã làm lễ tôn vinh “Điển hình sáng tạo nông nghiệp Việt Nam” cho Top 100 cá nhân và doanh nghiệp đã có những thành tích về đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp Việt Nam năm 2014.
Theo CPV
Ý kiến ()