Liên kết “4 nhà” - giúp nông dân yên tâm sản xuất
(LSO) – Tại huyện Văn Quan, liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp được hình thành trong sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu cà gai leo đã mang lại hiệu quả cao và từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu của tỉnh.
Ông Hoàng Văn Thống, thôn Bản Coóng, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan trồng 4 sào cà gai leo từ tháng 4/2018, đến tháng 11/2018 cây bắt đầu cho thu hoạch, đến nay đã thu hoạch 2 đợt với năng suất đạt khoảng 800 kg/sào. Ông Thống cho biết: Cà gai leo sau khi thu hoạch được Hợp tác xã Xuân Mai – Tràng Phái thu mua với giá 7.000 đồng/kg, nếu sấy khô thì giá thu mua ở mức 40.000 đồng/kg. Với 4 sào, gia đình tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng sau 2 đợt thu hoạch. Nhờ có sự hướng dẫn từ cán bộ chuyên môn nên việc trồng và chăm sóc không có gì khó khăn.
Nông dân xã Xuân Mai, huyện Văn Quan kiểm tra tốc độ phát triển của cà gai leo
Cà gai leo là cây dược liệu quý có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh về gan. Trước đây, loại cây này chủ yếu được trồng tại các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh, cà gai leo là cây trồng mới đối với bà con nông dân. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học – công nghệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm cho biết: Nhu cầu cây dược liệu ở nước ta đang rất lớn. Tỉnh Lạng Sơn có điều kiện tốt để phát triển các cây dược liệu. Do đó, chúng tôi nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây cà gai leo cùng một số cây dược liệu khác, đồng thời tổ chức khảo sát các khu vực trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thấy rằng huyện Văn Quan có đầy đủ các điều kiện về đất đai, khí hậu cho cây cà gai leo phát triển. Vì vậy, chúng tôi đề xuất với UBND huyện Văn Quan thực hiện dự án sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện từ tháng 4/2018.
Anh Lý Văn Đàm, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (phụ trách phát triển cây cà gai leo) cho biết: Chủ trương của lãnh đạo UBND huyện là phát triển các cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi triển khai dự án phát triển cây cà gai leo tại xã Xuân Mai với diện tích 2,2 ha với 21 hộ tham gia. Triển khai dự án, lãnh đạo phòng phân công cán bộ chuyên trách đồng hành cùng nông dân trong suốt quá trình trồng, chăm sóc. Chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn bà con quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như sơ chế nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Tham gia dự án, nông dân được tập huấn hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cũng như cung cấp thông tin cơ bản về thị trường dược liệu cũng như vai trò của cây cà gai leo đối với ngành y dược. Cùng với đó, bà con được hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Sau khi thu hoạch, nông dân có thể bán sản phẩm tươi hoặc sơ chế rồi phơi khô. Hợp tác xã cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thấp nhất là 7.000 đồng/kg.
Theo tính toán, trên diện tích 1 sào, nông dân có thể trồng 2.000 cây cà gai leo; sau 6 đến 7 tháng được thu hoạch. Thời gian cho thu hoạch kéo dài 3 năm, mỗi năm cho thu hoạch 3 – 4 lần, mỗi lần khoảng 500 kg. Tổng thu nhập từ 37 triệu đến 46 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân thu nhập khoảng 30 triệu đồng/sào.
Với vào cuộc của nhà khoa học trong việc nghiên cứu tìm ra giống dược liệu phù hợp điều kiện tự nhiên của huyện và sự đồng hành của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt nông dân không phải lo đầu ra do có hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, nông dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích, từng bước hình thành vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()