Liên kết “4 nhà” để hoá dược phát triển
Việt Nam có đội ngũ khoa học công nghệ về hóa dược không phải yếu và ít, nhưng liên kết và phát triển chưa tốt. Do đó, nếu liên kết tốt “4 nhà” kết hợp với tập trung trọng điểm, không dàn trải thì sẽ giải quyết được những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) hoá dược đang gặp phải.
Một số sản phẩm của Chương trình Hoá dược được trưng bày tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Theo đó, khái niệm “liên kết 4 nhà” gồm: Nhà nông lo vùng nguyên liệu, nhà khoa học lo công nghệ hóa dược, doanh nghiệp lo thị trường và Nhà nước lo cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển.
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco về giải pháp cho ngành hoá dược Việt Nam đưa ra tại Hội thảo khoa học Phát triển công nghiệp hóa dược do Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 9/11 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Chương trình Hóa dược triển khai hoạt động từ năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2017, Chương trình Hóa dược triển khai tổng số 107 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 80 đề tài và 27 dự án.
Thông qua việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án vào sản xuất, sản xuất thử nghiệm, nhiều DN đã đạt được kết quả tốt như: Công ty cổ phần Traphaco có doanh số từ sản phẩm là kết quả nghiên cứu của Dự án sản xuất thử nghiệm đạt 300 tỷ.
Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với nông dân phát triển vùng trồng dược liệu với các dự án như: Sản phẩm viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não, sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ, sản phẩm Rutin từ hoa hòe, chiết xuất Glucomannan từ cây Nưa, sản phẩm tạo nguyên liệu hỗ trợ điều trị ung thư từ rong nâu, dừa cạn, gừng gió; chế phẩm hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp từ sinh vật biển…
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, từ năm 2008 đến năm 2016, mặc dù đã có nhiều cải thiện về cơ chế, nguồn lực đầu tư, khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, Chương trình Hóa dược hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu đến từ những quy định về GMP và các quy định khác đối với đơn vị sản xuất nguyên liệu hóa dược.
Cụ thể, theo quy định của Luật Dược số 105/2016/AH13 ngày 6/4/2016 việc đăng ký thuốc, sản xuất nguyên liệu thuốc phải đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất). Tiêu chuẩn này bao gồm những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm…, nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn.
Như vậy, các đơn vị đăng ký thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm muốn bán sản phẩm ra thị trường phải đạt GMP, việc này đòi hỏi chi phí đầu tư cho nhà xưởng khá lớn. Đây là một khó khăn để các sản phẩm thuộc Chương trình Hóa dược ra thị trường. Ngoài ra, còn quy định về số đăng ký nguyên liệu, các điều kiện để được cấp số đăng ký cũng khá nghiêm ngặt nên càng khó khăn hơn cho việc phát triển các sản phẩm hóa dược.
Các sản phẩm của Chương trình Hóa dược để được đưa vào bào chế thành thuốc cần phải thông qua hội đồng y đức và thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, nội dung thử nghiệm lâm sàng không có trong nội dung hỗ trợ của Chương trình Hóa dược. Chi phí cho thử nghiệm lâm sàng lớn, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các DN sản xuất nhỏ không thể đầu tư thử nghiệm lâm sàng.
Để đảm bảo phát triển ngành hóa dược trong nước, ông Thanh cho rằng, cần có chính sách riêng, ưu đãi đối với nguyên liệu hóa dược là kết quả nghiên cứu của đề tài dự án thuộc Chương trình Hóa dược, và các chính sách hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án thử nghiệm sản xuất.
Đồng thời, bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng vào các nội dung hỗ trợ của Chương trình Hóa dược; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác hợp tác quốc tế của Chương trình Hóa dược; đẩy nhanh đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược…
Ông Nguyễn Huy Văn cho rằng, gần đây, phát triển khoa học công nghệ trong hóa dược, DN đã có nhiều sản phẩm bào chế mới đưa ra thị trường. Các sản phẩm trong nước đi từ nguyên liệu Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn, đặc biệt là cơ chế tài chính để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ còn phức tạp, chưa tương thích với tài chính của DN.
“Traphaco năm nào cũng phải có kiểm toán, nên chính sách tài chính hỗ trợ khoa học công nghệ trong hóa dược rất khó để tích hợp với chính sách tài chính của DN. Trong chính sách, chủ trương là các sản phẩm khoa học công nghệ được miễn giảm thuế, nhưng thực tế có những sản phẩm, đề tài khoa học công nghệ, tích hợp để hưởng ưu đãi là rất khó”, ông Văn nói.
Do đó, ông Nguyễn Huy Văn cho rằng, Việt Nam là nước đa dạng sinh học cây thuốc nên hóa dược Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và chính sách của Đảng và Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều cho hóa dược, nếu tích hợp được sẽ có lợi thế về chính sách.
Ý kiến ()