Liên hợp quốc triển khai sứ mệnh hòa bình để đảm bảo an ninh tại Mali
Kể từ ngày 1/7, khoảng 6.000 binh sĩ châu Phi có mặt tại Mali sẽ gia nhập vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo an ninh và ổn định cho quốc gia vốn phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử vào năm 2012 này.
Kể từ ngày 1/7, khoảng 6.000 binh sĩ châu Phi có mặt tại Mali sẽ gia nhập vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo an ninh và ổn định cho quốc gia vốn phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử vào năm 2012 này.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ tiếp tục giúp đảm bảo an ninh tại Mali |
Quyết định thành lập Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 25/4 vừa qua, theo đó các binh sỹ và cảnh sát quốc tế sẽ được triển khai đến Mali để tiếp quản sứ mệnh quân sự của các lực lượng Pháp và châu Phi trong cuộc chiến chống quân Hồi giáo nổi dậy ở quốc gia Tây Phi này. Phái bộ MINUSMA sẽ tích hợp 6.300 binh sĩ của sứ mệnh quốc tế hỗ trợ Mali (MISMA) bắt đầu đảm trách nhiệm vụ từ ngày 1/7 tới.
Do vị tướng người Rwanda Jean Bosco Kazura lãnh đạo, phái bộ MINUSMA được triển khai trong giai đoạn từ nay đến cuối tháng 12, bao gồm khoảng 12.600 người (quân đội và cảnh sát) và sẽ đảm bảo an ninh cho Mali, đặc biệt là phần phía Bắc rộng lớn, chiếm 2/3 diện tích đất nước.
Kể từ cuộc đảo chính quân sự ở Bamako vào ngày 22/3/2012, khu vực này và các thành phố lớn trực thuộc (Gao, Timbuktu và Kidal) đã bị các chiến binh thánh chiến và các nhóm tội phạm liên quan đến al-Qaeda trong đó có nhiều kẻ gây ra các tội ác chiếm đóng trong những tháng tiếp theo.
Các phần tử bạo loạn phần lớn bị truy đuổi kể từ khi quân đội Pháp bắt đầu can thiệp vào ngày 11/1 vừa qua và tiếp tục với sự hỗ trợ của các lực lượng Tây Phi và Tchad của MISMA. Tuy nhiên, các nhân tố thánh chiến còn lại vẫn hiện diện và gần đây tiếp tục gây ra nhiều vụ đánh bom tự sát.
Đầu tháng 6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã từng lưu ý rằng chúng đã bị mất “lợi thế chiến thuật” và phần lớn “thánh đường” của chúng ở miền Bắc Mali, các nhóm thánh chiến luôn luôn có “khả năng tạo ra một mối đe dọa đáng kể”, cũng như các “mạng lưới hỗ trợ và các cấu trúc tuyển mộ”.
Trong thời gian ngắn trước mắt, MINUSMA sẽ vẫn có thể dựa vào 3.200 lính Pháp còn hiện diện ở Mali (ở giai đoạn đỉnh cao, Pháp can thiệp với 4.500 quân). Theo Paris,số quân này sẽ dần dần giảm xuống còn không quá 1.000 vào cuối năm nay.
Thời gian ân hạn
Các đội quân bổ sung cho sứ mệnh Liên hợp quốc sẽ đến từ các châu lục khác ngoài châu Phi và không có gì để đảm bảo rằng tất cả các binh sĩ châu Phi sẽ vẫn ở lại để tiếp tục sứ mệnh.
Theo các nhà ngoại giao của Liên hợp quốc, các lực lượng quân đội châu Phi sẽ có một “thời gian ân hạn” 4 tháng để thực hiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Liên hợp quốc về thiết bị, vũ khí, đào tạo và kỷ luật.
Trong cuộc trao đổi với một số nhà báo tại Dakar ngày 28/6, Tổng thống Macky Sall của Senegal – quốc gia hiện có 800 binh sĩ tại Mali – cho biết: “Chúng tôi, những người châu Phi, phải tiếp quản và để tiếp quản, chúng tôi cần đào tạo các lực lượng đảm bảo an ninh của mình, chúng tôi cần trang bị cho họ nhiều hơn nữa”.
Trong bối cảnh quân đội Mali vốn đã bị các nhóm vũ trang “hạ gục” vào năm 2012 và hiện gần như vô hiệu hóa, một trong những thách thức đầu tiên của MINUSMA là sẽ phải đảm bảo an ninh cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 28/7 tới đây.
Ngày 27/6, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập (INEC) của Mali cho biết sẽ “cực kỳ khó khăn để tổ chức” cuộc bầu cử này theo đúng ngày dự kiến trong bối cảnh còn vô số những “thách thức” phải đối mặt. Ông cũng đưa ra một ví dụ đơn cử là trong thời gian ngắn còn lại, phải phân phát thẻ đến gần 7 triệu cử tri và tình hình rối ren tại Kidal, một thị trấn phía Đông Bắc nước này bị chiếm đóng bởi các cuộc nổi loạn Tuareg trong đó quân đội Mali vẫn không được triển khai mặc dù một thỏa thuận ký kết ngày 18/6 tại Ouagadougou.
Tuy nhiên, Pháp – quốc gia vốn đã gây áp lực mạnh mẽ về việc chuyển đổi quyền lực ở Bamako kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 3/2012 – lại khẳng định cuộc bầu cử sẽ được tổ chức “đúng thời hạn dự kiến”.
Mali đã rơi vào xung đột sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure hồi tháng 3 năm ngoái. Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Touareq chiếm giữ các tỉnh phía Bắc.
Lo ngại xung đột tại Mali có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mới trong khu vực, chính phủ Pháp đã cấp tốc điều động binh sĩ đến Mali giúp chặn đứng các làn sóng tấn công “Nam tiến” của quân nổi dậy. Dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp, các chiến dịch truy quét của binh sĩ Mali đã đạt được nhiều thành quả nhưng cho đến nay, giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Đông Bắc Mali, gây trở ngại lớn cho kế hoạch tiến hành bầu cử vào tháng 7 tới đây.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()