Liên hợp quốc triển khai nhiều biện pháp an ninh mới tại Libya
Ngày 12/9, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame thông báo bắt đầu thực thi các biện pháp an ninh mới tại thủ đô Tripoli.
Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở Chính phủ đoàn kết dân tộc Lybia (GNA), ông Salame cho biết GNA được Liên hợp quốc ủng hộ đã chính thức bắt đầu thành lập ủy ban thực thi an ninh tại Tripoli, phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có việc rút các vũ khí hạng nặng và phiến quân ra khỏi thủ đô của Libya.
Theo ông Salame, một số biện pháp an ninh đã được bắt đầu được thực thi và một số khác sẽ được triển khai trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông không nói chi tiết về các biện pháp an ninh này.
Ông Salame đưa ra thông báo trên trong bối cảnh sân bay quốc tế Mitiga, sân bay duy nhất còn hoạt động tại Tripoli, vừa hứng chịu một loạt rocket ngày 11/9 vừa qua, buộc các chuyến bay đến thành phố này phải chuyển hướng.
Sân bay này mới mở cửa được vài ngày sau khi các nhóm vũ trang tại Tripoli đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ. Vụ nã rocket không gây thương vong hay thiệt hại về vật chất.
Trước đó, ngày 10/9, các tay súng đã bắn vào trụ sở của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia (NOC) tại Tripoli khiến 2 nhân viên NOC thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công mà lực lượng này tuyên bố là “nhằm vào lợi ích kinh tế của chính phủ.”
Đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên nhằm vào trụ sở cơ quan hàng đầu của ngành công nghiệp dầu mỏ Libya.
Các vụ tấn công xảy ra chưa đầy một tuần sau khi một lệnh ngừng bắn mong manh được thiết lập để ngăn chặn các vụ đụng độ dữ dội giữa các bên giao tranh tại Tripoli.
Trước đó, hôm 2/9, GNA đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tripoli và khu vực lân cận, trong bối cảnh làn sóng bạo lực diễn ra trong nhiều ngày đã khiến hàng chục người thiệt mạng.
Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập quân đội riêng mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.
Cùng ngày 12/9, Liên hợp quốc và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thủ lĩnh phiến quân ở Libya, Ibrahim Jadhran, vì lực lượng do nhân vật này chỉ huy đã thực hiện các cuộc tấn công vào các cảng xuất khẩu dầu mỏ ở miền Đông Libya hồi năm ngoái.
Theo lệnh trừng phạt, mọi tài sản của Jadhran ở Mỹ bị phong tỏa và các công dân Mỹ bị cấm giao dịch làm ăn với đối tượng này. Liên hợp quốc cũng yêu cầu các nước thành viên thực hiện phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với nhân vật này.
Hồi tháng 6/2017, các nhóm vũ trang do Jadhran chỉ huy đã chiếm giữ 2 cảng biển phục vụ xuất khẩu dầu mỏ của Libya là Ras Lanuf và Al Sidra.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, vụ tấn công này đã gây ra khủng hoảng kinh tế và chính trị, khiến Libya thiệt hại 1,4 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ và làm giảm nỗ lực thúc đẩy tiến trình chính trị và ổn định tại quốc gia Bắc Phi này./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()