Liên hợp quốc thành lập Văn phòng chống khủng bố
Ngày 15/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thành lập Văn phòng chống khủng bố và chào đón cải cách thể chế quan trọng đầu tiên của tân Tổng thư ký Antonio Guterres.
Theo đó, Đại hội đồng sẽ tách từ Bộ phận các vấn đề chính trị hiện có Văn phòng của Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và Trung tâm chống khủng bố của Liên hợp quốc, cũng như tách các nhân viên của họ và tất cả các nguồn lực thường xuyên và bất thường ngoài ngân sách được phân bổ, và nhóm lại với nhau để thành lập Văn phòng chống khủng bố.
Chủ tịch Đại hội đồng Peter Thomson nêu rõ, Nghị quyết vừa được thông qua sẽ làm tăng khả năng của Liên hợp quốc hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện 4 trụ cột trong Chiến dịch chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc, đồng thời bảo đảm “sự phối hợp và gắn kết tốt hơn giữa các hệ thống Liên hợp quốc”, cải thiện “tầm nhìn, sự hỗ trợ và huy động các nguồn lực” trong khuôn khổ nỗ lực chống khủng bố do Liên hợp quốc thực hiện.
Thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng cũng đánh giá cao tầm quan trọng của những công việc mà Trung tâm chống khủng bố của Liên hợp quốc thực hiện; đồng thời nhấn mạnh rằng các thỏa thuận hiện hành về đóng góp, cũng như chức năng, chủ trì và thành phần của Hội đồng tư vấn sẽ được duy trì và các nguồn lực ngân sách và tài chính của Trung tâm sẽ chỉ được sử dụng để thực hiện chương trình làm việc.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm rằng Văn phòng chống khủng bố sẽ do một Phó Tổng thư ký lãnh đạo, có đủ phương tiện và nguồn lực để thực hiện các hoạt động được quy định cụ thể.
Hồi đầu năm nay (ngày 23/2), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất thành lập một văn phòng mới để lãnh đạo nỗ lực chung của toàn thế giới chống chủ nghĩa khủng bố. Theo ông, văn phòng sẽ được ủy nhiệm để thúc đẩy việc thực hiện Chiến dịch chống khủng bố và đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia trong việc xây dựng năng lực chống khủng bố bởi mục tiêu của chúng ta là xây dựng một cơ chế hợp tác mới đoàn kết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc để chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Ngoài ra, cũng tại phiên họp ngày 15/6, Đại hội đồng đã bỏ phiếu gia hạn 21 thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC)./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()