Liên hợp quốc quan ngại về vấn đề an ninh đối với phái đoàn giải trừ quân bị ở Bờ Biển Ngà
Trước sự việc một phái đoàn của Cơ quan quốc gia về giải trừ quân bị ở Bờ Biển Ngà bị tấn công ngày 1/7, Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại và đề nghị giới chức nước này cần đưa vụ việc ra trước công lý.
Trước sự việc một phái đoàn của Cơ quan quốc gia về giải trừ quân bị ở Bờ Biển Ngà bị tấn công ngày 1/7, Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại và đề nghị giới chức nước này cần đưa vụ việc ra trước công lý.
Phái đoàn về giải trừ quân bị thực hiện nhiệm vụ tại Bờ Biển Ngà. (Ảnh: UNCOI/UN) |
Phái bộ Liên hợp quốc tại Bờ Biển Ngà (UNCOI) đã kêu gọi các nhà chức trách có thẩm quyền cần thực hiện tất cả các biện pháp để tìm ra thủ phạm của vụ tấn công này và đưa thủ phạm ra pháp luật.
Phái đoàn của Cơ quan quốc gia về Giải trừ quân bị, Giải ngũ và Tái hòa nhập (DDR) đã bị tấn công vào ngày 1/7 trên một đoạn đường nằm giữa thị trấn Ferkessedougou ở phía bắc và thị trấn Kong ở phía tây nam.
UNCOI cho biết, có ít nhất một người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương. Trong tuyên bố của mình, UNCOI cũng bày tỏ tiếc thương trước cái chết một trong những người đã tham gia trong đoàn hộ tống an ninh và chia sẻ nỗi đau buồn với gia đình người bị nạn.
Trong thời gian qua, UNCOI đã hỗ trợ DDR trong các hoạt động tại Bờ Biển Ngà. Các hoạt động này chủ yếu nhằm khôi phục các cơ quan nhà nước và đưa tình hình trở lại bình thường trong bối cảnh quốc gia Tây Phi này bị chia rẽ bởi cuộc nội chiến năm 2002.
UNCOI đồng thời kêu gọi tất cả các bên cần bình tĩnh và không nên có bất kì hành động nào làm cản trở đến nhiệm vụ của DDR. Phái bộ Liên hợp quốc tại Bờ Biển Ngà cũng hoan nghênh những tiến bộ mà quốc gia này đạt được trong việc củng cố hòa bình.
Bờ Biển Ngà – nơi được mệnh danh là đất nước của kim cương vốn đã tan hoang vì cuộc nội chiến 2002 – 2003, thì đến năm 2010 lại tiếp tục vấp phải cuộc khủng hoảng chính trị kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc tranh giành quyền lực khởi phát khi Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo, bất chấp sức ép của quốc tế, kiên quyết không trao quyền lực cho ứng cử viên được quốc tế công nhận thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 11/2010 là ông Alassane Ouattara.
UNOCI được thành lập năm 2004 bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Bờ Biển Ngà kể từ sau cuộc nội chiến năm 2002. Sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2010 , Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Bờ Biển Ngà tiếp tục làm nhiệm vụ khôi phục trật tự và luật pháp, hòa giải dân tộc, tổ chức bầu cử hợp pháp và khôi phục kinh tế.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()