Liên hợp quốc phát động chiến dịch tiếp cận vaccine bình đẳng
Chiến dịch mang tên “Only Together” (Chỉ có thể cùng nhau), nhấn mạnh tính cần thiết của hành động phối hợp trên quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm tất cả các quốc gia đều được tiếp cận vaccine, với đối tượng ưu tiên là những nhân viên chăm sóc y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Ngày 11/3, Liên hợp quốc phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm lan tỏa thông điệp ủng hộ quyền tiếp cận vaccine COVID-19 một cách công bằng và bình đẳng.
Chiến dịch mang tên “Only Together” (Chỉ có thể cùng nhau), nhấn mạnh tính cần thiết của hành động phối hợp trên quy mô toàn cầu nhằm bảo đảm tất cả các quốc gia đều được tiếp cận vaccine, với đối tượng ưu tiên là những nhân viên chăm sóc y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Vaccine phải được xem như một hàng hóa công cộng toàn cầu
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng vaccine phải được xem như một hàng hóa công cộng toàn cầu. |
Trong thông điệp phát động chiến dịch “Only Together” diễn ra theo hình thức trực tuyến, ngày 11/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói: “Chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể bảo vệ được những nhân viên chăm sóc y tế và những người dễ bị tổn thương nhất”. Người đứng đầu Liên hợp quốc tin tưởng rằng, những triển vọng trong phát triển vaccine đã mang lại “ánh sáng cuối đường hầm” cho cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Tổng thư ký Liên hợp quốc ca ngợi sự cống hiến của các nhà khoa học đã phát triển được các loại vaccine an toàn và hiệu quả trong khoảng thời gian kỷ lục, mang lại công cụ thể thế giới chặn đứng đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Guterres cũng chỉ ra một thực tế đáng quan ngại rằng, cho tới nay, chỉ một số nhỏ các nước giàu đang nắm trong tay phần lớn lượng vaccine trên toàn thế giới.
Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, vaccine COVID-19 phải được xem như một hàng hóa công cộng toàn cầu. Nhân dịp này, Tổng thư ký Guterres cũng nhắc lại một thông điệp đã được ông nói tới từ lâu, đó là “Không nước nào có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 một cách đơn độc”.
Cùng nhau kết thúc đại dịch và mở ra một kỷ nguyên mới của niềm hy vọng
Ảnh chụp ngày 11/3/2021 tạiTrung tâm tiêm chủng NHS COVID-19 trong Bảo tàng Khoa học ở London, Anh. |
Tại lễ phát động chiến dịch, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed nói: “Trong năm qua, tất cả chúng ta đã bỏ lỡ những điều mà chúng ta yêu thích được làm cùng nhau, đó là những bữa ăn, những cái ôm, cùng đi tới trường và đi tới nơi làm việc… Hàng triệu người trong số chúng ta đã bị mất đi những người thương yêu hay bị tước mất kế sinh nhai. Một nỗ lực khoa học chưa từng có tiền lệ trên phạm vi toàn cầu nhằm bào chế vaccine đã mang lại cho chúng ta hy vọng đánh bại virus. Nhưng điều đó chỉ có thể được thực hiện nếu như chúng ta hợp sức cùng nhau để bảo đảm rằng, tất cả mọi người, tất cả mọi nơi đều được tiếp cận vaccine. Chỉ sát cánh bên nhau chúng ta mới có thể kết thúc đại dịch và mở ra một kỷ nguyên mới của niềm hy vọng.
Kể từ khi bùng phát hơn 1 năm trước, đại dịch COVID-19 đã len lỏi tới mọi ngõ ngách của trái đất và tác động lên mọi mặt đời sống con người. Theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố, thế giới có gần 119 triệu ca nhiễm, với gần 2,6 triệu ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới.
Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh, một cơ chế toàn cầu mang tên COVAXhỗ trợ phân phối vaccine đồng đều cho tất cả các nước trên thế giới, gồm cả các nước nghèo nhất đã được hình thành. Tuy nhiên, cơ chế vaccine quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu này, cho tới nay mới chỉ cung cấp được một số lượng khiêm tốn vaccine cho các đối tượng ưu tiên gồm các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Mục tiêu của sáng kiến COVAX là bảo đảm rằng không nền kinh tế tham gia nào bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận vaccine COVID-19. Đến cuối năm 2021, COVAX dự kiến sẽ phân phối gần 30% lượng vaccine cần thiết để tiêm cho dân số của 190 nước thành viên tham gia. Hiện cơ chế này cũng đang cần tới hơn 2 tỷ USD để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho các đối tượng cần thiết nhất vào cuối năm 2021.
Trong thông cáo phát đi ngày 11/3, Liên hợp quốc chỉ ra rằng, hiện 10 nước giàu đang sở hữu tới 80% các loại vaccine phòng COVID-19 và các nước này đều có kế hoạch sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân của họ trong vòng vài tháng tới trong khi các nước thu nhập thấp phải phụ thuộc nguồn cung vaccine thông qua COVAX. Liên hợp quốc cho rằng, các nước có thể ủng hộ cung cấp vaccine một cách bình đẳng thông qua việc chia sẻ nguồn vaccine thừa chưa dùng hết, chuyển giao công nghệ và tự nguyện bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ, cho phép các nước khác sử dụng bản quyền vaccine.
Đề cập tới mục tiêu này, Trợ lý phụ trách truyền thông của Tổng thư ký Liên hợp quốc Melissa Fleming nhấn mạnh: “Nếu các nhà khoa học trên thế giới có thể phát triển vaccine an toàn và hiệu quả chỉ trong vòng 7 tháng, thì các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng cần đề ra mục tiêu thiết lập kỷ lục tương tự – đó là cung cấp đủ tài chính và tăng cường sản xuất để bảo đảm rằng tất cả mọi người trên trái đất đều được tiêm chủng”./.
Ý kiến ()