Liên hợp quốc muốn giúp hơn 40 triệu người trên thế giới tránh nạn đói
Ở Burkina Faso, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng. (Ảnh: UN) |
Trong bối cảnh đó, ngày 4/10, các cơ quan của Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói và các tình trạng tương tự trước khi quá muộn.
Gần nửa triệu người sống trong điều kiện gần như đói kém (giai đoạn 5 của IPC, theo phân loại chính thức) ở Ethiopia, Madagascar, Nam Sudan và Yemen. Trong những tháng gần đây, các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở Burkina Faso và Nigeria cũng phải chịu những điều kiện tương tự. Ngoài ra, 41 triệu người trên toàn thế giới phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực khẩn cấp (IPC 4), mức tăng 50% chỉ trong hai năm. Hàng triệu người khác đang phải trải qua mức độ khủng hoảng mất an ninh lương thực nghiêm trọng (IPC 3) và thực sự có nguy cơ suy thoái nhanh chóng.
Theo Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, Martin Griffiths, tình hình này là kết quả của “một hỗn hợp độc hại từ suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu, COVID-19 và tất nhiên, quan trọng nhất, là các cuộc xung đột trên thế giới, nguồn gốc của tai họa khủng khiếp này, phụ nữ và trẻ em gái, như mọi khi, đặc biệt dễ bị tổn thương”. “Phụ nữ nói với chúng tôi về những biện pháp tuyệt vọng mà họ phải thực hiện để kiếm thức ăn nuôi sống gia đình, bao gồm buôn bán tình dục để kiếm thức ăn, hay các cuộc hôn nhân sớm” – ông nói thêm.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Martin Griffiths cảm ơn các nhà tài trợ, đồng thời cho biết Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã có thể mở rộng quy mô hoạt động nhân đạo ở các quốc gia có nguy cơ cao, như: Nam Sudan, Ethiopia, Burkina Faso và Yemen, nơi Liên hợp quốc hiện đang hỗ trợ 10 triệu người mỗi tháng. Tuy nhiên, ông Griffiths cũng cảnh báo rằng đã đến lúc phải tăng gấp đôi nỗ lực của chúng ta và chứng tỏ rằng thế giới có thể cùng ứng phó với thách thức này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu cũng phát biểu tại sự kiện này. Theo ông, “viện trợ lương thực và sinh kế phải được cung cấp song song”. Ông nói: “Hỗ trợ các hệ thống thực phẩm nông nghiệp và cung cấp hỗ trợ dài hạn mở đường cho sự phục hồi, ngoài sự tồn tại đơn thuần, và làm tăng khả năng phục hồi”.
Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra thông điệp, đồng thời nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới “sẽ phản ứng” khi “họ biết thực tế là như thế nào”. Theo ông Beasley, có 400.000 tỷ USD tài sản trên thế giới hiện nay và vào thời điểm cao điểm của đại dịch COVID-19, trung bình các tỷ phú đã tăng giá trị tài sản ròng của họ thêm 5,2 tỷ USD mỗi ngày. “Và thực tế là chúng ta đang ngồi đây cầu xin 6,6 tỷ USD để cứu 41 triệu người, ngăn các quốc gia mất ổn định và ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt…” – ông David Beasley lưu ý.
Vào tháng 3 năm nay, tại Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đã từng đưa ra lời kêu gọi một phản ứng nhanh chóng và phối hợp. Vào thời điểm đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm phòng chống nạn đói cấp cao để thu hút sự chú ý đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và huy động sự hỗ trợ./.
Ý kiến ()