Liên hợp quốc lên án việc sử dụng Clo trong tấn công quân sự tại Syria
Ngày 6/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lên án việc sử dụng Clo trong tấn công quân sự tại Syria và cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết nếu các chất độc hại một lần nữa được sử dụng trong xung đột.
Nghị quyết trên được Mỹ giới thiệu và thông qua với 14/15 thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận, kể cả Nga – đồng minh của Syria, trong khi Venezuela bỏ phiếu trắng.
Không đề cập đến các vấn đề trách nhiệm, nghị quyết “lên án mạnh mẽ nhất việc sử dụng các tác nhân độc hại như Clo làm vũ khí tại Cộng hòa Arab Syria”.
Theo Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), khí Clo đã được sử dụng trong các vụ tấn công nhằm vào 3 ngôi làng ở Syria trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 8/2014, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, chất này đã được sử dụng “một cách có hệ thống và lặp đi lặp lại” trong cuộc xung đột.
Mỹ, Pháp và Anh cáo buộc lực lượng chính phủ đã sử dụng Clo trong xung đột nhưng Damascus bác bỏ.
Nghị quyết “nhấn mạnh rằng các cá nhân sử dụng các chất hóa học, trong đó có Clo hoặc các chất độc hại khác, làm vũ khí sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Nghị quyết cũng cảnh báo sẽ áp dụng lệnh trừng phạt theo Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong trường hợp này, Hội đồng sẽ thông qua một nghị quyết mới.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho biết: “Chúng tôi dứt khoát bác bỏ ý tưởng về xử phạt theo Chương 7 nếu các cáo buộc (sử dụng vũ khí hóa học) không dựa trên bằng chứng”. “Không bảo vệ những kẻ khủng bố, không bảo vệ những người đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học quá một lần” – ông Vitaly Churkin kêu gọi các đồng nghiệp phương Tây.
Các nhà chức trách Damascus đã đồng ý vào năm 2013 tiến hành tiêu hủy vũ khí hoá học như là một phần của thỏa thuận được Mỹ đàm phán với Nga sau một vụ đánh bom khí Sarin khiến hàng trăm người thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô.
Clo không phải là một chất bị cấm chính thức song việc sử dụng nó trong tấn công quân sự bị cấm theo Công ước vũ khí hóa học năm 1997.
Theo Liên hợp quốc, các cuộc xung đột Syria, bắt đầu từ tháng 3/2011, đã khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời.
Theo CPV
Ý kiến ()