Liên hợp quốc: Lãng phí thực phẩm là thách thức lớn của thời đại
Lãng phí thực phẩm cũng là phí phạm các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước và năng lượng, chưa kể cả sức lao động và thời gian của con người.
Ngày 29/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh lãng phí và làm thất thoát thực phẩm là hành vi trái đạo đức cần phải ngăn chặn.
Tổng Thư ký Guterres đưa ra phát biểu trên trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế nhận thức về lãng phí và thất thoát thực phẩm, nêu rõ lãng phí thực phẩm cũng là phí phạm các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước và năng lượng, chưa kể cả sức lao động và thời gian của con người.
Không những thế, lãng phí thực phẩm còn khiến tình trạng biến đổi khí hội thêm nghiêm trọng, vì ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh khí gây hiệu ứng nhà kính.
Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 càng cho thấy rõ những điểm yếu của các hệ thống thực phẩm trên thế giới và khiến tình trạng lãng phí thực phẩm càng thêm trầm trọng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu ý dù thế giới đang sản xuất đủ thực phẩm để cung cấp cho tất cả mọi người nhưng vẫn có 690 triệu người chịu cảnh đói ăn và 3 tỷ người không đủ khả năng tài chính để đảm bảo thực đơn lành mạnh. Do đó, thế giới cần có những cách tiếp cận và giải pháp mới cho vấn đề này.
Ông Guterres kêu gọi các quốc gia đặt mục tiêu giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm một cách cụ thể, đánh giá sát sao tình trạng này và hành động một cách mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu.
Điều này nên được đặt trong các kế hoạch khí hậu chuẩn bị cho việc triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.
Nhiều doanh nghiệp cũng nên có cách tiếp cận tương tự trong khi các cá nhân cần mua sắm có trách nhiệm hơn, tích trữ thực phẩm hợp lý và tận dụng những đồ thừa khi có thể. Ông kêu gọi cùng phối hợp để giảm lãng phí thực phẩm vì lợi ích của nhân loại và Trái Đất.
Cùng ngày, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng kêu gọi thế giới hành động để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm mà FAO cho là “thách thức lớn của thời đại.”
Lời kêu gọi được đưa ra sau hội nghị trực tuyến toàn diện quy tụ các quan chức và chuyên gia của FAO, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), và các cơ quan khác của Liên hợp quốc cùng đại diện các quốc gia để trao đổi kiến thức và hành động, nâng cao nhận thức về nguyên nhân và tác động của tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm.
Theo FAO, thông điệp chính từ hội nghị là tất cả mọi người – từ các nhà chức trách tới các tổ chức tư nhân, từ giới học giả đến từng công dân – cần phải hành động nhiều hơn nữa để giảm tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm nếu không muốn chứng kiến an ninh lương thực và tài nguyên thiên nhiên tiếp tục suy thoái trầm trọng hơn.
Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác chặt chẽ hơn để tăng cường các công nghệ đột phá và đa dạng hóa cách tiếp cận, nâng cao nhận thức từ mỗi gia đình, giáo dục trẻ nhỏ trân trọng thực phẩm đồng thời nhấn mạnh đây là trách nhiệm chung của tất cả mọi người.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của UNEP Inger Andersen lưu ý một khi tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm được giải quyết một cách cụ thể thì các quốc gia sẽ nhận thấy rất nhiều lợi ích đa dạng.
Ngày Quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thức phẩm là ngày 29/9 hằng năm, và sự kiện năm nay được tổ chức trong khuôn khổ Khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây cũng là lần đầu tiên ngày này được tổ chức sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua hồi tháng 12/2019./.
Ý kiến ()