Liên hợp quốc đề nghị chuẩn bị kế hoạch thời chiến để chống COVID-19
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh với một virus – và chưa chiến thắng. Cuộc chiến này cần một kế hoạch chiến tranh để đánh bại.”
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 26/3 đề nghị nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) chuẩn bị cho một “kế hoạch thời chiến” để chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Tổng Thư ký Guterres khẳng định: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh với một virus – và chưa chiến thắng. Cuộc chiến này cần một kế hoạch chiến tranh để đánh bại.”
Tổng Thư ký thống kê rằng mất 3 tháng, thế giới có 100.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Nhưng 100.000 ca tiếp theo chỉ trong 12 ngày. Thêm 100.000 ca nữa chỉ trong 4 ngày, và chỉ cần một ngày rưỡi nữa con số này đã lên tới 400.000 ca.
Tổng Thư ký nhấn mạnh: “Đây là sự gia tăng theo cấp số nhân và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.”
Theo Tổng Thư ký, đoàn kết đóng vai trò quan trọng – giữa các nước G20 và với các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước đang xảy ra xung đột.
Ông đề nghị một cơ chế ứng phó kết hợp trong G20; các nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội, bao gồm các gói kích thích; và một tầm nhìn phát triển bền vững để đảm bảo một sự phục hồi lành mạnh của nền kinh tế thế giới.
Tổng Thư ký khẳng định để ngăn chặn sự lây lan của dịch nhanh nhất có thể, cần một chiến lược chung, “đòi hỏi một cơ chế ứng phó phối hợp trong G20, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hướng dẫn.”
Tất cả các nước phải có thể phối hợp xét nghiệm, truy vết, cách ly và điều trị bệnh một cách có hệ thống nhằm ngăn chặn virus lây lan và phải phối hợp chiến lược thoát hiểm nhằm duy trì khả năng ngăn chặn dịch cho đến khi bào chế được vắcxin. Trong khi đó, chúng ta cần hỗ trợ lớn để tăng khả năng ứng phó của các nước đang phát triển.
Theo Tổng Thư ký, một mặt phải đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống tài chính, mặt khác, cần phải tập trung vào con người, đảm bảo các hộ gia đình và các doanh nghiệp không rơi vào tình trạng nợ nần và bảo vệ việc làm. Việc này đòi hỏi một cách ứng phó toàn cầu.
Tổng Thư ký hoan nghênh các dòng tiền mặt và các hỗ trợ kinh tế và xã hội tại các nước phát triển, vốn được chuyển trực tiếp từ các nguồn lực tới tay người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị một gói kích thích nhằm giúp các nước đang phát triển với cùng các mục tiêu như vậy.
Tổng Thư ký kêu gọi tăng các nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các thể chế tài chính quốc tế khác, cùng sự phối hợp giữa các ngân hàng trung ương và các bước nhằm giảm gánh nặng nợ như miễn trả lãi suất.
Tổng Thư ký cũng kêu gọi miễn các trừng phạt có thể ảnh hưởng tới khả năng ứng phó của các nước chống dịch.
Cùng ngày, các chuyên gia của Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới nhiều hơn những gì dự báo cách đây vài tuần.
Một báo cáo mới của Hội thảo Liên hợp quốc về thương mại, đầu tư và phát triển (UNCTAD) cảnh báo tốc độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 có thể dẫn tới “sự sụt giảm thảm họa” của FDI toàn cầu, vốn là thước đo đầu tư trong lĩnh vực tư nhân xuyên biên giới.
UNCTAD cho rằng FDI toàn cầu có thể thấp hơn 40% so với các dự báo hồi tháng 1, khi các chuyên gia dự báo sẽ tăng 5% trong năm nay và năm tới.
Con số này cũng lớn hơn nhiều so với mức dự báo đưa ra cách đây 2 tuần, theo đó trong trường hợp xấu nhất FDI sẽ giảm 15% so với dự báo tháng Một.
Các nỗ lực nhằm ngăn chặn virus lây lan đã làm suy yếu hoạt động kinh doanh toàn cầu và nhanh chóng đẩy nền kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái mới.
Báo cáo trên cho biết thêm rằng các dự báo về tác động kinh tế của dịch COVID-19 đang ngày một nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, một quan chức cấp cao của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết số lượng việc làm bị mất trên toàn thế giới do khủng hoảng COVID-19 có thể “cao hơn nhiều” so với con số 25 triệu mà tổ chức này ước tính một tuần trước.
Trả lời báo chí tại Geneva, Giám đốc bộ phận chính sách việc làm của ILO, Sangheon Lee cho biết số người xin thất nghiệp tạm thời, nghỉ việc và yêu cầu trợ cấp thất nghiệp cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
Theo số liệu công bố ngày 26/3, số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục, hơn 3 triệu người, vào tuần trước.
Dữ liệu cũng cho thấy số người mất việc làm ở Tây Âu tăng vọt, bất chấp các chính phủ đã công bố các gói hỗ trợ tài chính nền kinh tế, trong đó bao gồm các gói hỗ trợ cho các công ty để giữ chân người lao động.
Trước đó, ngày 18/3, ILO dự báo số lượng người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 – 24,7 triệu người, dựa trên các kịch bản khác nhau về tác động của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong giai đoạn 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến số người thất nghiệp trên toàn cầu tăng 22 triệu người. Dự báo tiếp theo của ILO dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Trong một diễn biến mới nhất, WHO ngày 26/3 kêu gọi tất cả các nước đoàn kết chống đại dịch, đồng thời cảnh báo “hàng triệu người có thể tử vong” nếu không hành động quyết liệt.
Phát biểu tại hội nghị của G20, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết “dịch đang gia tăng theo cấp số nhân.”
Đến sáng 27/3, trên toàn thế giới đã ghi nhận hơn một nửa triệu người đã nhiễm virus và hơn 24.000 người tử vong.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Nếu không hành động quyết liệt tại tất cả các quốc gia, hàng triệu người sẽ chết. Tác động đến toàn bộ xã hội, nền kinh tế và chính trị sẽ chỉ là vấn đề thời gian.”
Tổng Giám đốc WHO đưa ra 3 đề xuất để đối phó với khủng hoảng toàn cầu này. Đầu tiên là “chiến đấu mạnh tay, chiến đấu hết mình, chiến đấu như thể cuộc sống của mình phụ thuộc vào đó.”
Thứ hai là đoàn kết, “không quốc gia nào có thể một mình giải quyết trong khủng hoảng này, chúng ta sẽ chỉ có thể cùng nhau thoát khỏi khủng hoảng.”
Thứ ba là kích thích: “Khuyến khích sản xuất trên toàn cầu những công cụ mà chúng ta cần để cứu sự sống. Khuyến khích phát triển vaccine và thuốc điều trị. Khuyến khích một phong trào toàn cầu để đảm bảo điều này không tái diễn.”
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Các hành động mà chúng ta làm sẽ có hậu quả trong nhiều thập kỷ tới,” đồng thời cho rằng dịch COVID-19 cũng là một cơ hội để mọi người “cùng nhau hợp lại chống một mối đe dọa chung và xây dựng một tương lai chung”./.
Ý kiến ()