Liên hiệp HTX Lạng Sơn: Hướng phát triển mới
LSO- Tháng 4/2015, Liên hiệp hợp tác xã (HTX) đầu tiên của tỉnh được thành lập. Trải qua 4 tháng hoạt động, Liên hiệp HTX đã bước đầu cho thấy những lợi thế từ mô hình kinh tế này.
Điều 3, Luật HTX năm 2012 nêu rõ: Liên hiệp HTX là tổ chức kinh tế tập thể (KTTT), đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 HTX tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của HTX thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp HTX. Ở tỉnh ta, mô hình HTX đã tồn tại từ khá lâu. Tuy nhiên, đến tháng 4/2015, Liên hiệp HTX đầu tiên của tỉnh mới được thành lập và đi vào hoạt động với tên gọi Liên hiệp HTX sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn (gọi tắt là Liên hiệp HTX Lạng Sơn). Ngành nghề kinh doanh chính là trồng, kinh doanh rau an toàn; chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm…
Liên hiệp HTX Lạng Sơn gồm 4 HTX thành viên đều trên địa bàn thành phố Lạng Sơn gồm: HTX Sản xuất và thương mại Hoàng Vũ; HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông; HTX Sản xuất & dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương và HTX Nông nghiệp Rọ Phải. Trước khi thành lập liên hiệp, các HTX thành viên hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu ngày càng khắt khe, cạnh tranh ngoài thị trường, các HTX thành viên hoạt động trong cùng lĩnh vực đã chủ động liên kết lại với nhau để thành lập nên Liên hiệp HTX. Mặc dù mới đi vào hoạt động song Liên hiệp HTX đã bước đầu khắc phục được những khó khăn, tồn tại mà từng thành viên HTX trước đây gặp phải.
Thu hoạch đỗ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông, xã Mai Pha
Bà Hoàng Thị Vang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX cho biết: Khi các HTX thành viên tham gia liên kết lại với nhau sẽ hỗ trợ lẫn nhau về vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, chuỗi liên kết. Mỗi HTX thành viên đều có những lợi thế riêng. Ví dụ như HTX Sản xuất và thương mại Hoàng Vũ ít diện tích đất canh tác nhưng lại có dây chuyền, kinh nghiệm trong sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm. Còn đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông không hoạt động trong lĩnh vực chế biến song lại có diện tích 8,3 ha đất để trồng rau; chăn nuôi… các HTX liên kết tạo thành chuỗi sản xuất sẽ giúp giảm chi phí, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, khi các HTX tham gia vào liên hiệp sẽ có thuận lợi hơn về thị trường tiêu thụ. Theo tìm hiểu của Liên hiệp HTX Lạng Sơn, nhu cầu tiêu thụ rau xanh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn khoảng 12.000 tấn/năm, trong khi đó, sản xuất rau trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Chính vì vậy, Liên hiệp HTX có rất nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất rau an toàn. Không chỉ dừng lại ở địa bàn thành phố, hiện nay, liên hiệp còn chủ động phối hợp với một số ngành chức năng để xúc tiến mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành khác.
Ông Hoàng Văn Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông – thành viên của liên hiệp cho biết: Giai đoạn này, liên hiệp mới bắt đầu triển khai hoạt động và hy vọng trong thời gian tới, hiệu quả của liên hiệp nói chung cũng như các HTX thành viên nói riêng sẽ được nâng lên. Dự kiến, mỗi năm HTX sẽ sản xuất rau, quả an toàn với sản lượng từ 80-100 tấn/năm với giá bán khoảng 7.000 đồng/kg.
Ông Phạm Đình Duy, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động song Liên hiệp HTX Lạng Sơn đã cho thấy được những ưu điểm cũng như phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có tại cơ sở, từ đó giúp các HTX thành viên có thêm cơ hội vươn lên phát triển. Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển Liên hiệp HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho một lực lượng lao động tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Bài, ảnh: TÂN AN
Ý kiến ()