Liên doanh xây xưởng sửa chữa tuabin khí đầu tiên
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Alstom (Cộng hòa Pháp) đã ký kết thành lập Công ty liên doanh dịch vụ Năng lượng Alstom-Phú Mỹ nhằm xây dựng một xưởng sửa chữa tuabin khí đầu tiên tại Việt Nam và cũng là công xưởng đầu tiên của Alstom ở châu Á trong lĩnh vực này. Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, ý tưởng thành lập hai Trung tâm sửa chữa nhiệt điện tuabin khí và nhiệt điện chạy than tại Phú Mỹ và Phả Lại đã có từ năm 1998 với mong muốn tìm các đối tác phối hợp chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và kỹ năng sửa chữa đối với loại công nghệ cao này. Có như vậy, Việt Nam mới làm chủ được thời gian, chất lượng công tác sửa chữa cũng như làm chủ việc điều hành sửa chữa thiết bị các nhà máy điện chạy khí và chạy than. Phó Thủ tướng khẳng định, việc thành lập Liên doanh này không chỉ là nỗ lực của EVN mà còn là hướng đi đúng trong điều kiện...
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Alstom (Cộng hòa Pháp) đã ký kết thành lập Công ty liên doanh dịch vụ Năng lượng Alstom-Phú Mỹ nhằm xây dựng một xưởng sửa chữa tuabin khí đầu tiên tại Việt Nam và cũng là công xưởng đầu tiên của Alstom ở châu Á trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, ý tưởng thành lập hai Trung tâm sửa chữa nhiệt điện tuabin khí và nhiệt điện chạy than tại Phú Mỹ và Phả Lại đã có từ năm 1998 với mong muốn tìm các đối tác phối hợp chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và kỹ năng sửa chữa đối với loại công nghệ cao này. Có như vậy, Việt Nam mới làm chủ được thời gian, chất lượng công tác sửa chữa cũng như làm chủ việc điều hành sửa chữa thiết bị các nhà máy điện chạy khí và chạy than.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc thành lập Liên doanh này không chỉ là nỗ lực của EVN mà còn là hướng đi đúng trong điều kiện thị trường điện ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi hệ thống điện, các nhà máy điện ngày càng vận hành có hiệu quả hơn. Liên doanh ra đời vì lợi ích của khách hàng sử dụng điện, trước hết phục vụ tại thị trường Việt Nam, sau đó mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Alstom, một tập đoàn có ngành công nghệ tuabin khí nổi tiếng trên thế giới đã lựa chọn đúng đối tác của mình.
Phó Thủ tướng mong muốn liên doanh sớm hoàn thành các thủ tục để đi vào hoạt động, trong đó các kỹ sư Việt Nam trong liên doanh phải trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực để chuyển giao công nghệ từ phía Alstom, đặc biệt là học hỏi về văn hóa, kỷ luật công nghiệp điện, trong bàn giao các sản phẩm của mình trong ngành công nghiệp điện nhằm tạo sự khác biệt với các liên doanh khác.
Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn liên doanh hợp tác phát triển thành công như 20 năm trước đây và dự án Thủy điện Sơn La gần đây.
Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, Liên doanh được thành lập bởi 3 công ty là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty Alstom châu Á Thái Bình Dương và Công ty Alstom Việt Nam, có thời gian hoạt động 20 năm, đặt tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ-thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Liên doanh sẽ phục hồi thiết bị tuabin khí bằng công nghệ hiện đại, rút ngắn thời gian cung cấp, bảo dưỡng các tổ máy tuabin khí cung cấp cho khách hàng trong nước và các nước trong khu vực. EVN sẽ cung cấp các dịch vụ chính, Alstom đóng góp phần công nghệ và các dịch vụ khác để nâng cao hoạt động hiện tại của Trung tâm Dịch vụ sửa chữa ở Phú Mỹ.
Dựa trên mối quan hệ hợp tác lâu dài với Alstom, EVN có thể khai thác kiến thức chuyên môn chung để cung cấp các dịch vụ tiên tiến cho lĩnh vực phát điện cũng như phát triển một trong những cơ sở công nghệ cao ở trong nước.
Ông Philippe Cochet, Tổng Giám đốc Alstom nhấn mạnh: Xưởng sửa chữa tuabin khí đầu tiên tại Việt Nam này sẽ hiện đại nhất thế giới và tạo hơn 140 việc làm mới cho người lao động Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như thể hiện cam kết của hai tập đoàn trong việc hỗ trợ chương trình quốc gia thu hút đầu tư và tạo việc làm trong ngành công nghệ hiện đại. Sự hợp tác này sẽ giúp bảo trì, bảo dưỡng các nguồn điện khí, điện than tại Việt Nam. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng trong các kế hoạch phát triển của Alstom tại châu Á.
Để củng cố hơn nữa mối quan hệ lâu dài trong suốt 20 năm qua, hai tập đoàn còn ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác bao trùm 4 lĩnh vực khác như: Xây dựng các chương trình đào tạo kỹ sư cho EVN; triển khai công nghệ giám sát trực tuyến cho các nhà máy điện; cung cấp giải pháp giảm mức tiêu hao nhiên liệu và nâng cao hiệu suất của nhà máy điện; xây dựng chương trình sử dụng nhiệt thải từ các nhà máy công nghiệp để phát điện.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()