Liên đoàn Quần vợt tỉnh: Chú trọng đào tạo, huấn luyện chuyên môn
– Những năm qua, bên cạnh việc duy trì và phát triển phong trào, Liên đoàn Quần vợt tỉnh luôn quan tâm chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng chuyên môn, qua đó từng bước nâng cao thành tích thi đấu của các vận động viên (VĐV).
Môn quần vợt “có mặt” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 1996, bắt đầu từ Câu lạc bộ (CLB) Quần vợt thành phố Lạng Sơn và lan tỏa khắp các huyện. Năm 2002, Liên đoàn Quần vợt tỉnh được thành lập và không ngừng phát triển. Đến nay, liên đoàn có 25 CLB thành viên, khoảng 200 hội viên.
Ông Vũ Anh Đức, Phó Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt tỉnh cho biết: Từ khi thành lập đến nay, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn được liên đoàn quan tâm thực hiện. Qua nhiều cách thức khác nhau, chúng tôi mong muốn thành tích quần vợt của Lạng Sơn không ngừng nâng lên.
VĐV đoàn Lạng Sơn nhận giải nội dung quần vợt trên 50 tuổi tại Giải quần vợt Cúp Tân Trào và giải bóng bàn các CLB tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2022
Theo đó để xây dựng lực lượng VĐV trẻ nòng cốt, từ năm 2009, liên đoàn đã mời các huấn luyện viên là giảng viên, VĐV chuyên nghiệp đến huấn luyện nâng cao trong 2 tháng cho 10 VĐV trẻ có tiềm năng, được lựa chọn từ các CLB thành viên. Sau này, tất cả đều trở thành các VĐV tham gia thi đấu giành nhiều thành tích cho địa phương. Đồng thời, liên đoàn còn định hướng, khuyến khích 4 VĐV trẻ theo học chuyên sâu về quần vợt tại các trường đại học và trở về cống hiến, góp sức nâng cao chất lượng chuyên môn cho quần vợt địa phương.
Cùng đó, một số CLB còn chủ động mời các huấn luyện viên, VĐV có nhiều thành tích ở trong và ngoài tỉnh về huấn luyện, hướng dẫn cho các thành viên tập luyện theo hình thức xã hội hóa.
Anh Vũ Thanh Tùng, thành viên CLB Quần vợt thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi chơi quần vợt từ năm 16 tuổi và theo học chuyên ngành quần vợt tại Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Từ năm 2016 đến nay, tôi tích cực thực hiện công tác huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao cho các thành viên ở trong và ngoài CLB của mình. Trong số 10 người tôi hướng dẫn có 3 người tôi tập trung huấn luyện chuyên sâu và thường xuyên thi đấu đạt thành tích cao tại các giải phong trào.
Việc nâng cao chất lượng chuyên môn còn được thực hiện thông qua việc tổ chức và tham gia các giải quần vợt. Trung bình mỗi năm (trừ thời điểm dịch), Liên đoàn Quần vợt tỉnh tổ chức từ 2 đến 5 giải và khoảng 10 giải giao hữu do các CLB tự tổ chức. Hằng năm, liên đoàn còn thành lập các đoàn VĐV tham gia thi đấu 1 – 3 giải mở rộng tại các tỉnh bạn. Đặc biệt, năm 2019, liên đoàn đã phối hợp với Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tổ chức Giải quần vợt chuyên nghiệp Việt Nam – Masters 500 – Cúp Viettravel tại Lạng Sơn, quy tụ 8 đoàn với 50 VĐV đến từ các tỉnh, thành phố trong nước. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của các thành viên trong các CLB không ngừng nâng lên, xuất hiện nhiều hạt giống tiềm năng.
Ông Lê Văn Đô, Phó Chủ nhiệm CLB Quần vợt Phú Lộc 4, thành phố Lạng Sơn (trước là CLB Xuân Cương) cho biết: CLB hiện có 22 thành viên. Chúng tôi thường xuyên động viên các thành viên tích cực tham gia các giải phong trào tại địa phương và tổ chức cho các thành viên tham dự các giải quần vợt trong khu vực để được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, qua đó tiếp tục tự rèn luyện, nâng cao trình độ. Nhờ đó, 8/22 thành viên của CLB thường xuyên đạt thành tích cao tại các giải quần vợt của địa phương và giải mở rộng tại các tỉnh
Với sự quan tâm của liên đoàn, sự chủ động của các thành viên, trong những năm qua, trình độ chuyên môn về quần vợt trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng lên. Thành tích các VĐV đạt được không chỉ tăng về số lượng mà còn ở mức cao hơn. Nếu như ở giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2016, trung bình mỗi năm, các VĐV của tỉnh tham gia thi đấu tại các giải ngoài tỉnh đạt 10 giải/năm thì từ năm 2016 đến nay, đoàn Lạng Sơn đều đoạt giải tại hầu hết các giải tham gia thi đấu, số lượng giải thưởng đã tăng lên trung bình trên 20 giải/năm.
Ý kiến ()