Liên đoàn Lao động tỉnh: Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động
(LSO) – Cùng với chăm lo đời sống, thời gian qua, các cấp công đoàn đã đa dạng nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động (NLĐ).
Toàn tỉnh hiện có hơn 41.600 CNVCLĐ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Bà Hoàng Thị Cúc, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công, LĐLĐ tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi tham mưu cho Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xây dựng kế hoạch PBGDPL, đồng thời, chỉ đạo 14/14 LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành, 100% công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai PBGDPL tại đơn vị. Trong đó, lựa chọn nội dung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ như: Bộ luật Lao động sửa đổi; Luật Công đoàn; Luật Doanh nghiệp; Luật Viên chức; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo hiểm xã hội…
Công nhân viên chức lao động nghiên cứu tài liệu tại hội nghị tuyên truyền PBGDPL do LĐLĐ tỉnh tổ chức tháng 9/2020
Không chỉ đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền cũng rất phong phú. Trước hết, các cấp công đoàn chú trọng tuyên truyền miệng trong các hội nghị, lồng ghép trong sinh hoạt công đoàn, tập huấn nghiệp vụ, cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, tập trung cao điểm vào dịp “Tháng công nhân”, “Tháng an toàn vệ sinh lao động” (tháng 5). Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh tổ chức được trên 6.800 cuộc PBDGPL đến trên 238 nghìn lượt CNVCLĐ tham dự, cấp phát 600 băng rôn, áp phích, 57.000 tờ rơi và 6.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về pháp luật cho CNVCLĐ.
Chị Nông Thị Thanh Huyền, công nhân tuần đường, Hạt 12, huyện Chi Lăng, CĐCS Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: Tôi thường xuyên được CĐCS công ty tuyên truyền pháp luật. Đặc biệt, dự hội nghị PBGDPL do LĐLĐ tỉnh tổ chức tại công ty vào tháng 9/2020 vừa qua, tôi thấy nội dung tuyên truyền rất thiết thực, liên quan trực tiếp đến người lao động về chế độ bảo hiểm, thai sản, phòng chống ma túy, HIV, tệ nạn xã hội… quy định pháp luật và các chính sách liên quan để thực hiện tốt hơn.
Để thông tin nhanh, kịp thời các văn bản pháp luật đến CNVCLĐ, các cấp công đoàn đã vận dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tiêu biểu như LĐLĐ tỉnh duy trì trang thông tin điện tử của đơn vị, với mục “Tra cứu văn bản”, “Chính sách – pháp luật” cập nhật thông tin pháp luật mới liên quan đến người lao động; phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn thực hiện chuyên mục “Lao động – Công đoàn”, hằng năm đăng tải, phát sóng trên 150 tin, bài phóng sự về hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào thi đua, trong đó có nội dung về PBGDPL. Các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành, CĐCS thành lập nhóm mạng xã hội zalo, tài khoản facebook để trao đổi thông tin, phục vụ công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tràng Định cho biết: Hiện LĐLĐ huyện quản lý trên 2.100 đoàn viên, 103 CĐCS. Cùng với các hình thức PBGDPL khác, từ năm 2019 chúng tôi đã thành lập nhóm zalo “Cán bộ công đoàn Tràng Định” với 107 thành viên. Nhóm phát huy hiệu quả trong việc kịp thời tuyên truyền các văn bản pháp luật, các hoạt động công đoàn, truyền tải nhanh, thông tin rộng rãi tới cán bộ công đoàn của huyện. Từ đó triển khai, vận động CNVCLĐ chấp hành tốt pháp luật, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào do công đoàn phát động.
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn duy trì công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho CNVCLĐ bằng hình thức tư vấn trực tiếp, trả lời bằng văn bản, nhận và giải quyết đơn thư khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2019 đến nay, các cấp công đoàn thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý được trên 150 lượt CNVCLĐ về chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động, việc thực hiện an toàn lao động, quy chế dân chủ ở cở sở. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tranh chấp lao động, đình công và ngừng việc tập thể.
Với nỗ lực của các cấp công đoàn, nhận thức pháp luật của đoàn viên, NLĐ, chủ sử dụng lao động từng bước được nâng cao. Nhờ đó CNVCLĐ được đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách theo quy định. Điều đó được thể hiện bằng một số kết quả như: Hiện nay CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh có mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2020: 94/106 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể, đạt 88,6%, tăng 0,8% so với năm 2019; trên 5.300 lao động được điều chỉnh lương tối thiểu vùng…
Ghi nhận thành tích đạt được, tháng 1/2021, LĐLĐ tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL năm 2020.
Ý kiến ()