Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo viên Trường tiểu học Thanh Lòa, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc hướng dẫn học sinh viết chữ đẹp – Ảnh HOÀNG VƯƠNG |
Quá trình hình thành ngày lễ ý nghĩa này như sau: Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập tại Paris, Thủ đô nước Pháp đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa – thủ đô của Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là: Đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học; đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học.
Giáo viên Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc trình bày sáng kiến trong giảng dạy – Ảnh HOÀNG VƯƠNG |
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953. Trong cuộc họp của FISE (có 57 nước tham dự) từ ngày 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này được còn tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20/11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.
Đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam. Do tính chất và mục đích của việc tổ chức ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”, để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên; để nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của người thầy trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng CNXH và để phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982: “hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Và ngày 20/11/1982, Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Nội dung Quyết định 167/HĐBT Điều 1.Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều 2.Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam , rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình. Điều 3.Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh. Điều 4.Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương. |
Ý kiến ()