Liban rơi vào khủng hoảng chính trị liên quan điều tra vụ nổ ở Beirut
Cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời điểm người dân Liban đang mong đợi chính phủ mới, được thành lập vào tháng 9/2021, giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại nước này.
Chính phủ mới của Liban ngày 13/10 đã hủy phiên họp nội các giữa lúc chính phủ nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị liên quan vấn đề liệu có nên loại bỏ thẩm phán đang điều tra các vụ nổ xảy ra ở cảng Beirut hồi tháng 8/2020 hay không.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào thời điểm người dân Liban đang mong đợi chính phủ mới, được thành lập vào tháng 9/2021, giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại nước này.
Thẩm phán Tarek Bitar đã bị buộc phải đình chỉ cuộc điều tra của ông vào ngày 12/10, sau khi các cựu bộ trưởng mà ông từng triệu tập để thẩm vấn phục vụ công tác điều tra đã đệ đơn kiện ông.
Thẩm phán Bitar hiện đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch chính trị do các phong trào Hezbollah và Amal thuộc dòng Hồi giáo Shiite lãnh đạo.
Thủ lĩnh phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah trong tuần này đã cáo buộc thẩm phán Bitar có hành vi “thiên vị chính trị.”
Trong khi đó, ông Ali Hasan Khalil, nhà lập pháp cấp cao thuộc phong trào Amal đồng thời là một cựu bộ trưởng, đã đe dọa “leo thang chính trị” nếu quá trình điều tra “không được điều chỉnh,” sau khi ông Bitar hôm 12/10 ban hành lệnh bắt giữ nhân vật này vì đã không tới trình diện để thẩm vấn.
Phiên họp nội các ngày 12/10 đã khép lại bằng một cuộc tranh cãi gay gắt khi các bộ trưởng thân với phong trào Hezbollah và Amal đã ép buộc chính phủ ủng hộ yêu cầu của họ nhằm thay thế thẩm phán Bitar.
Phiên họp tiếp theo vào ngày 13/10 đã bị hoãn lại cho thấy các phe phái trong nội các Liban không đạt được thỏa thuận nào, với việc một số bộ trưởng cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào các vấn đề tư pháp.
Những người ủng hộ Hezbollah và Amal đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình chống lại ông Bitar vào ngày 14/10 ở thủ đô Beirut, nơi thân nhân của các nạn nhân trong vụ nổ cảng Beirut thường tổ chức các cuộc biểu tình phản đối can thiệp chính trị.
Kể từ khi tiếp nhận nhiệm vụ điều tra, thẩm phán Bitar đã triệu tập một loạt cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng cũng như các quan chức quân đội và an ninh hàng đầu để thẩm vấn do nghi ngờ có sự bất cẩn.
Trong tuần này, ông Bitar cũng đã triệu tập hai cựu bộ trưởng khác để thẩm vấn, trước khi ông buộc phải tạm dừng cuộc điều tra lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng.
Các nhà lãnh đạo chính trị của Liban, bao gồm một số cựu thủ tướng, đã chỉ trích ông Bitar vì đã cố tình điều tra các quan chức cấp cao, những nhân vật chỉ có thể bị xét xử bởi một tòa án đặc biệt.
Các vụ nổ xảy ra ngày 4/8/2020 tại cảng Beirut đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, khiến hàng nghìn người khác bị thương và phá hủy nhiều khu vực của thủ đô Beirut./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()