LHQ: Sách là nguồn cảm hứng để đối thoại và hy vọng
Các bé gái người dân tộc thiểu số của Trường tiểu học Bản Phố, tỉnh Lào Cai đang đọc sách.
Ngày 23-4 vừa qua, LHQ đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới lần thứ 24. Thực tế, ngày này có ý nghĩa rất lớn với giới văn học – nghệ thuật thế giới. Ngày 23-4-1616, ba nhà văn Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đã rời bỏ thế giới sau khi dành cả một đời cho sự nghiệp văn học. Ngày 23-4 cũng là ngày sinh hoặc ngày mất của nhiều nhà văn nổi tiếng, trong đó có Maurice Druon, Haldor K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla và Manuel Mejia Vallejo.
Sức mạnh của những trang sách
Theo Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore, “những cuốn sách có sức mạnh truyền cảm hứng, thông báo và thay đổi cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên”. Thậm chí bà Fore cho rằng: “Hôm nay là độc giả, ngày mai có thể sẽ trở thành một nhà lãnh đạo!”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) Audrey Azoulay kêu gọi: “Hãy thúc đẩy sự hiện diện của sách ở mọi nơi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả trẻ em trên thế giới có thể tiếp cận một cách dễ dàng”.
Tổng Giám đốc UNESCO cũng chia sẻ thêm trong một thông điệp được gửi đi nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới: “Sách, cửa sổ để nhìn vào thế giới nội tâm của mỗi người, cho phép chúng ta học cách thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương nhau hơn, vượt qua mọi ranh giới và cả sự khác biệt”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, các cuốn sách thể hiện sự đa dạng của trí tuệ nhân loại, mang lại sự phong phú cho trải nghiệm của mỗi người thông qua nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa và cách diễn đạt chung cho tất cả mọi người. “Điều đó góp phần thúc đẩy sự phát triển và kết nối của mọi cộng đồng”.
Thúc đẩy văn hóa đọc sách
Đối với UNESCO, sách giúp kết nối nhân loại thành một gia đình, chia sẻ quá khứ, lịch sử và di sản, để xây dựng một tương lai chung, nơi mọi tiếng nói và mọi khát vọng luôn luôn được lắng nghe.
Trong lời kêu gọi toàn cầu cùng nhau hành động nhằm thúc đẩy, truyền bá văn hóa đọc tới tất cả mọi người, bất kể đàn ông, phụ nữ, người cao tuổi hay trẻ em, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh: “Sách là đồng minh tốt nhất của chúng ta trong việc phổ biến giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin. Sách không quan tâm tới biên giới”.
Theo UNESCO, sách cũng là một hình thức thể hiện văn hóa làm cho ngôn ngữ luôn tồn tại, thể hiện qua chính chúng. Người đứng đầu cơ quan LHQ này cũng giải thích thêm: “Mỗi cuốn sách được tạo ra trong một ngôn ngữ cụ thể, truyền tải những ý tưởng, khái niệm của người nói. Do đó, mỗi cuốn sách đều được viết, sản xuất, trao đổi, sử dụng và được đánh giá cao trong bối cảnh ngôn ngữ và văn hóa nhất định”.
Sharjah, “thủ đô sách” thế giới
Năm nay, thành phố Sharjah thuộc Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã được chỉ định là “thủ đô sách” thế giới. Chỉ thị này có hiệu lực từ Ngày Sách và Bản quyền thế giới 2019.
TP Sharjah đã được chọn để triển khai chương trình “Đọc – bạn đang ở Sharjah” dựa theo sáu chủ đề chính: Đoàn kết, đọc sách, di sản, nhận thức, xuất bản và thanh niên. Khẩu hiệu này hướng tới các nhóm cộng đồng yếu thế bằng cách cung cấp cho họ một đề nghị sáng tạo, nhằm khuyến khích sự tham gia của những người dân di cư và thúc đẩy hòa nhập xã hội, sáng tạo và tôn trọng.
Bà Azoulay cho biết: “Với Sharjah, các đối tác của chúng tôi ( bao gồm Liên đoàn Các nhà xuất bản quốc tế, Liên đoàn Các nhà sách quốc tế và Liên đoàn Thư viện quốc tế) và toàn bộ cộng đồng quốc tế, chúng ta hãy cùng nhau tôn vinh những cuốn sách, một phương tiện không thể thiếu trong việc thể hiện sự sáng tạo, trao đổi ý tưởng, nguyện vọng và kiến thức, cũng như thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại và lòng khoan dung”.
“Bất kể người tị nạn nào cũng đều có một câu chuyện để kể”
Nhân dịp Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Thư viện Công cộng TP New York (NYPL) đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm các nhà văn tị nạn với một loạt những cuốn sách phản ánh đậm nét “tiếng nói của những người dân buộc phải rời bỏ quê hương”.
Trên trang Twitter của mình, UNHCR và NYPL chia sẻ: “Bất kể người tị nạn nào cũng đều có một câu chuyện để kể”. Có một con số chưa từng thấy trong lịch sử, đó là 68,5 triệu người trên toàn thế giới đã buộc phải rời bỏ mái nhà thân thuộc của mình để đi lánh nạn. Trong đó, có gần 25,4 triệu người tị nạn và hơn một nửa trong số họ dưới 18 tuổi. Theo NYPL, những người tị nạn và người dân buộc phải di cư đều là những con người có hy vọng, ước mơ, khát khao và cả những câu chuyện để kể.
Vì vậy, Ngày Sách và Bản quyền thế giới năm nay đã gửi đi một thông điệp sâu sắc: “Đây là những tiếng lòng của họ. Hãy tiếp tục lắng nghe họ, trân trọng họ và bảo vệ họ”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()