LHQ lo ngại chia rẽ địa chính trị cản trở kế hoạch tiêm chủng toàn cầu
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Việc tích trữ vaccine và chủ nghĩa dân tộc vaccine đã khiến kế hoạch tiêm chủng toàn cầu thụt lùi.”
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 30/10 cho rằng chính sự chia rẽ về địa chính trị đã cản trở kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome (Italy), Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh: “Việc tích trữ vaccine và chủ nghĩa dân tộc vaccine đã khiến kế hoạch tiêm chủng toàn cầu thụt lùi. Ở những quốc gia giàu nhất, người dân được tiêm mũi bổ sung, trong khi chỉ có 5% dân số toàn châu Phi được nhận đủ liều.”
Theo ông Guterres, các nước giàu đã sử dụng vaccine ngừa COVID-19 và các gói kích thích để khởi động lại nền kinh tế, trong khi các nước đang phát triển bị tụt hậu do tỷ lệ tiêm chủng thấp và các khó khăn về tài chính mà họ phải đối mặt.
Trước đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng khoảng cách tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước giàu và nghèo là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
Mới chỉ có 3% dân số của những quốc gia nghèo nhất thế giới được tiêm chủng, trong khi có tới 70% dân số ở các nước giàu nhận được ít nhất một mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trên cương vị nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Italy khẳng định hợp tác đa phương vẫn là câu trả lời tốt nhất cho các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Một trong số các vấn đề cấp bách là phân phối vaccine một cách công bằng và các nước G20 có đủ điều kiện thúc đẩy quá trình đó.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần qua cũng hối thúc các chính phủ và các nhà sản xuất cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương, bởi đây là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch.
Theo người đứng đầu WHO, mục tiêu của tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới này là có ít nhất 40% số người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm nay.
Người đứng đầu WHO cảnh báo các nước giàu dù có sở hữu nhiều vaccine vẫn không thể trở thành những “thiên đường an toàn,” nếu như các nước nghèo còn đang vật lộn với dịch bệnh.
Bởi vậy, chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng và sẻ chia, đặc biệt là trong sản xuất và phân phối vaccine, mới giúp cộng đồng quốc tế từng bước đẩy lùi kẻ thù chung COVID-19./.
TheoVietnamplus
Ý kiến ()