LHQ kêu gọi Colombia ban hành luật về cơ chế tư pháp hòa bình
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ và các thể chế liên quan của Colombia ban hành luật điều lệ của Cơ chế tư pháp đặc biệt vì hòa bình (JEP) sớm nhất có thể.
Theo một báo cáo công bố ngày 30/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ và các thể chế liên quan của Colombia ban hành luật điều lệ của Cơ chế tư pháp đặc biệt vì hòa bình (JEP) sớm nhất có thể.
Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ cho biết báo cáo, do Phái đoàn Giám sát của Liên hợp quốc tại Colombia và được ông Guterres phê duyệt, sẽ được trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 10/4 tới.
Báo cáo nhận định tiến trình hòa bình tại Colombia đang trong tình trạng bi quan và chậm trễ, đặc biệt là sau quyết định ngày 10/3 của Tổng thống Iván Duque không ban hành luật về JEP và gửi lại Quốc hội với 6 yêu cầu sử đổi.
JEP được coi là cột trụ của Thỏa thuận hòa bình 2016, giữa Chính phủ Colombia và nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC, vốn đã từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang và trở thành một đảng chính trị hợp pháp trong xã hội Colombia) và là bảo đảm pháp lý chính đối với các nạn nhân của cuộc xung đột hơn nửa thế kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này được hưởng sự thật, công lý và đền bù, cũng như đối với những cựu du kích quân đã từ bỏ vũ khí một cách thiện chí và thành khẩn khai báo.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến theo hướng phân cực và ngày càng chia rẽ xã hội Colombia xung quanh vấn đề này, đồng thời cảnh báo trong số các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ có các vụ ám sát hàng loạt các nhà hoạt động xã hội quần chúng và các cựu thủ lĩnh của FARC.
Sau quyết định trên thực tế là đình hoãn JEP của Tổng thống Duque, Na Uy và Cuba – 2 nước trung gian hòa đàm và bảo trợ tiến trình hòa bình tại Colombia, cũng lên tiếng hối thúc việc sớm thông qua JEP.
Liên hợp quốc cũng từng ủng hộ Thỏa thuận hòa bình và chịu trách nhiệm giám sát thực thi tiến trình này.
Cho tới nay, đã có 11.700 người có liên quan tới cuộc xung đột vũ trang cướp đi sinh mạng của 220.000 người dân Colombia đã ra trình diện trước JEP./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()