LHQ kêu gọi các bên ở Afghanistan đảm bảo an toàn cho dân thường
“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về sự an toàn của người dân tại Lashkar Gah ở miền Nam Afghanistan, nơi hàng chục nghìn người có thể bị mắc kẹt do các cuộc giao tranh,” người phát ngôn của LHQ nói.
Trong bối cảnh giao tranh giữa quân Chính phủ với lực lượng Taliban đang diễn ra ác liệt ở miền Nam Afghanistan, ngày 4/8, Liên hợp quốc đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về sự an toàn của hàng chục nghìn dân thường tại Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh Helmand.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết kể từ đầu năm tới nay, đã có gần 360.000 người phải sơ tán do xung đột ở Afghanistan. Khoảng 5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ năm 2012.
Ông nêu rõ: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về sự an toàn của người dân tại Lashkar Gah ở miền Nam Afghanistan, nơi hàng chục nghìn người có thể bị mắc kẹt do các cuộc giao tranh.”
Theo ông Dujarric, hai tỉnh Helmand và Kandahar đã ghi nhận gia tăng thương vong dân thường, nhiều nhà dân cùng các cơ sở hạ tầng trọng yếu và các bệnh viện đã bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng.
Cùng ngày, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết xung đột ở các tỉnh Helmand và Kandahar đã khiến dân thường phải di dời đến các khu vực an toàn hơn trong các thành phố Lashkar Gah và Kandahar.
OCHA đã nhận nhiều báo cáo gia tăng thiệt hại về người và của, các bệnh viện đang quá tải vì phải tiếp nhận số lượng người bị thương tăng vọt.
Trong nửa đầu năm nay, các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế đã khiến 200.000 người ở Afghanistan không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
OCHA cho biết hiện Liên hợp quốc và các đối tác viện trợ nhân đạo đang đánh giá và sẽ đáp ứng nhu cầu khi có thể tiếp cận với những người bị ảnh hưởng.
Ngày 1/8 vừa qua, OCHA đã tiếp tế thực phẩm, nước và tiền mặt cho 2.000 người ở Kandahar. OCHA hối thúc các bên liên quan bảo vệ dân thường, nhân viên cứu trợ và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm trường học và bệnh viện, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Cơ quan này cũng kêu gọi các bên tạo điều kiện để các nhân viên cứu trợ tiếp cận hỗ trợ những người bị ảnh hưởng, tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo.
Theo OCHA, những người tham gia công tác viện trợ nhân đạo đã cam kết ở lại Afghanistan và ước tính đã tiếp cận được gần 50% trong số gần 16 triệu người cần trợ giúp từ đầu năm tới nay bất chấp tình hình an ninh xuống dốc.
Liên hợp quốc đang nỗ lực huy động nguồn tài trợ khẩn cấp cho kế hoạch viện trợ nhân đạo của Afghanistan, vốn cần 1,3 tỷ USD, song tới nay mới chỉ nhận được 485 triệu USD, tương đương 38% số tiền cần thiết.
Ngày 3/8, cư dân ở thành phố Lashkar Gah, đã được yêu cầu sơ tán đến nơi an toàn trong bối cảnh quân đội chuẩn bị cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng Taliban sau 3 ngày giao tranh ác liệt.
Taliban đã giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn Afghanistan kể từ khi các lực lượng nước ngoài bước vào giai đoạn rút quân cuối cùng vào đầu tháng 5, song hiện tại lực lượng này đang tập trung kiểm soát khu vực thủ phủ của các tỉnh.
Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc ở Afghanistan (UNAMA) đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới dân thường khi tình hình ngày một căng thẳng, đồng thời kêu gọi chấm dứt giao tranh ngay lập tức ở các khu vực đô thị.
Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid ngày 4/8 cảnh báo lực lượng này sẽ tiến hành các vụ tấn công mới nhằm vào giới chức cấp cao Afghanistan.
Cảnh báo này được Taliban đưa ra một ngày sau khi tiến hành vụ tấn công nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi ở thủ đô Kabul.
Ông Mohammadi thoát nạn, nhưng vụ tấn công đánh dấu một bước leo thang lớn trong chiến dịch của Taliban. Vụ tấn công nhắm vào một khu vực được canh gác nghiêm ngặt ở thủ đô.
Hiện các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan đã gần như hoàn tất việc rút toàn bộ binh sỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công./.
Ý kiến ()